Tự ý lấy hình ảnh người khác có được không? Luật Ánh ngọc giải đáp


Tự ý lấy hình ảnh người khác có được không? Luật Ánh ngọc giải đáp

Tự ý lấy hình ảnh người khác là hành vi mà pháp luật cấm. Tùy theo mức độ gây tổn hại đến người bị hại thì mức xử phạt hành chính có thể lên đến 40.000.000 đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc là bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Hãy cùng Luật Ánh Ngọc tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về mức phạt cụ thể!

1. Tự ý lấy hình ảnh người khác có được không?

Tự ý lấy hình ảnh người khác mà không được sự đồng ý của họ (trừ trường hợp sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng và sử dụng từ các hoạt động công cộng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh) là hành vi vi phạm pháp luật. 

Căn cứ tại Điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình. Đó là khi sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý.

Trong trường hợp vì mục đích thương mại mà sử dụng hình ảnh của người khác thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên liên quan có thỏa thuận khác;

Bên cạnh đó, với trường hợp vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng (sử dụng từ các hoạt động công cộng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh) thì có thể sử dụng hình ảnh mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.

Từ đó, nếu tự ý lấy hình ảnh người khác thuộc hành vi vi phạm những quy định trên thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

2. Mức phạt khi tự ý lấy hình ảnh người khác

Các hình thức xử lý khi tự ý lấy hình ảnh người khác
Tự ý lấy hình ảnh người khác - mức xử phạt

Tự ý lấy hình ảnh người khác mà chưa được sự đồng ý của họ cũng như không thuộc các trường hợp được phép lấy hình ảnh của người khác thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính; truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại, cụ thể:

2.1. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính

Tùy thuộc vào cách thức thực hiện hành vi tự ý lấy hình ảnh người khác thì phải trách nhiệm chịu hình thức xử phạt hành chính sẽ khác nhau. 

a. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy cập, thu thập, xử lý, trao đổi và trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội.

Căn cứ tại khoản 1 Điều 101 và điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với hành vi vi phạm các quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy cập, thu thập, xử lý, trao đổi và trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội sẽ chịu trách nhiệm xử phạt hành chính như sau:

Mức tiền phạt Hành vi
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

- Lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

- Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng Tiết lộ thông tin bí mật đời tư cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với hai hành vi trên, khi vi phạm sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

b. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo

Căn cứ tại điểm b khoản 3 và khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP  với hành vi vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo sẽ chịu trách nhiệm xử phạt hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi có hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật cho phép;

- Với hành vi vi phạm trên sẽ bị buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo. 

c. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trình bày, minh họa xuất bản phẩm và ghi thông tin phải ghi trên xuất bản phẩm

Căn cứ tại điểm c khoản 2 Điều 25 Nghị định 119/2020/NĐ-CP với hành vi vi phạm quy định về trình bày, minh họa xuất bản phẩm và ghi thông tin phải ghi trên xuất bản phẩm sẽ chịu trách nhiệm xử phạt hành chính như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi có hành vi sử dụng hình ảnh trẻ em dưới 07 tuổi để minh hoạ trên xuất bản phẩm mà cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ không đồng ý hoặc với trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên mà không được chính trẻ, cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ đồng ý.

2.2. Hình thức xử phạt truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ tại khoản 1 và điểm e khoản 2  Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, khi tư ý lấy hình ảnh người khác khi chưa được sự cho phép của họ nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác, cụ thể:

- Phạt cảnh cáo và phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm khi có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác;

- Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi có hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội. 

Bên cạnh đó, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ (đối với người giữ chức vụ), hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2.3. Bồi thường thiệt hại theo quy định

Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi tự ý lấy hình ảnh người khác khi chưa có sự đồng ý của họ còn có thể bồi thường thiệt hại nếu xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Căn cứ theo quy định tại Điều 592 Bộ Luật Dân sự 2015 sẽ bao gồm các chi phí sau:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

3. Một vài lưu ý cần tuân thủ để hạn chế hành vi tự ý lấy hình ảnh người khác. 

Để hạn chế hành vi tự ý lấy hình ảnh người khác nhằm các hành vi vi phạm pháp luật, Luật Ánh Ngọc xin gửi đến quý khách hàng một vài lưu ý cần tuân thủ sau: 

- Tuân thủ các quyền, điều kiện, thủ tục, quy định khi lấy hình ảnh của người khác;

- Cần đảm bảo khi lấy hình ảnh của người khác không xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người được lấy hình ảnh;

- Tránh dùng hình ảnh của người khác để lan truyền những thông tin lệch lạc, sai sự thật;

- Nếu có vi phạm xảy ra, cần bồi thường và thực hiện sự chịu trách nhiệm về hành vi của chính bản thân người lấy ảnh cho người bị lấy hình ảnh. 

Với bài đọc trên, Luật Ánh Ngọc đã cung cấp cho khách hàng những thông tin về những quy định liên quan đến việc tự ý lấy hình ảnh người khác có sao không? Hy vọng sẽ giúp khách hàng có những thông tin hữu ích và cái nhìn tổng quát để tránh vi phạm khi tự ý lấy hình ảnh người khác. 

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.