Bị sa thải có ảnh hưởng gì không?


Bị sa thải có ảnh hưởng gì không?
Bị sa thải có ảnh hưởng gì không? Luôn là vấn đề mà người lao động “trăn trở”, nhất là đối với những người lao động đã bị công ty, cơ quan, đơn vị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.

1. Bị sa thải có ảnh hưởng gì không?

Sa thải là hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất đối với người lao động Do đó, khó tránh việc người lao động sẽ bị mất hoặc bị ảnh hưởng một số quyền lợi. 

Thứ nhất, không được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 46, Điều 47 Bộ luật Lao động 2019.

Thứ hai, căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động không được thanh toán số ngày nghỉ phép hằng năm mà mình chưa nghỉ hết theo quy định.

Bởi lẽ, việc thanh toán này chỉ áp dụng đối với người lao động chưa nghỉ hết ngày phép hằng năm của mình do thôi việc hoặc mất việc làm. 

(Các trường hợp được xác định là thôi việc, mất việc làm, bạn đọc có thể tham khảo các trường hợp được liệt kê tại Điều 46, Điều 47 Bộ luật Lao động 2019).   

Thứ ba, theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2019, người lao động gây thiệt hại đến tài sản của công ty thì phải bồi thường.

Vì vậy, nếu hành vi vi phạm kỷ luật của người lao động gây thiệt hại đến tài sản, lợi ích của công ty thì có thể phải bồi thường. 

Về mặt thực tế, người lao động bị sa thải sẽ bị ảnh hưởng về công việc, thu nhập và cơ hội làm việc sau này. 

Khi bị sa thải, người lao động sẽ không thể tiếp tục làm việc. Đồng thời, người lao động cần có thời gian để tìm kiếm công việc mới. Trong thời gian này, thu nhập của NĐL ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. 

Bên cạnh đó, trong quá trình tuyển dụng, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu người lao động cung cấp thông tin quá trình làm việc trước đó, việc từng bị kỷ luật sa thải có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định của nhà tuyển dụng. 

Hướng dẫn tìm công việc mới sau khi bị sa thải
Cần làm gì để tìm công việc mới sau khi bị sa thải?

2. Người lao động bị sa thải được hưởng quyền lợi gì?

Có thể thấy, bị sa thải có ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, khi bị sa thải, người lao động vẫn được hưởng những quyền lợi cơ bản như sau: 

2.1. Tiền lương

Theo Điều 102 Bộ luật Lao động 2019, công ty chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại. Do đó, nếu không gây thiệt hại cho công ty, tiền lương của người lao động vẫn được bảo đảm khi bị sa thải. 

Căn cứ Điều 48 Luật này, công ty có trách nhiệm thanh toán tiền lương và những khoản tiền khác theo nội quy công ty (thưởng, phụ cấp, …) cho người lao động trong thời hạn từ 14 đến 30 ngày. 

2.2. Bảo hiểm xã hội

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải thì HĐLĐ của họ bị chấm dứt. 

Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 48 Bộ luật này, khi HĐLĐ chấm dứt, công ty có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. 

Do đó, kể cả khi bị sa thải, thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn được xác nhận và bảo lưu để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định. 

2.2. Bảo hiểm thất nghiệp

Tương tự như bảo hiểm xã hội, người lao động khi bị sa thải vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp) nếu có đủ điều kiện hưởng theo quy định. Cụ thể: 

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp: Đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bị sa thải.

Đối với hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định (03 tháng - 12 tháng) thì phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ.

- Thời điểm nộp hồ sơ: Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ thời điểm bị sa thải. 

- Công việc: Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ trường hợp sau: 

  • Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
  • Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
  • Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
  • Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
  • Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Chết.

Khi đáp ứng điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng như sau: 

- Mức hưởng: 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp (không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng).

- Thời gian hưởng: Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp (tối đa 12 tháng).

3. Làm gì khi bị công ty sa thải vô lý?

Công ty chỉ được sa thải người lao động khi họ thuộc một trong những trường hợp được liệt kê tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm: 

  • Có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
  • Có hành vi tiết lộ bí mật doanh nghiệp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty; 
  • Có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc có nguy cơ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của công ty;
  • Có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc
  • Đã bị kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm khi chưa hết thời hạn được xóa kỷ luật 
  • Tự ý bỏ việc 05 ngày (trong thời hạn 30 ngày) hoặc 20 ngày (trong thời hạn 365 ngày), tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Ngoài ra, việc sa thải người lao động cần tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật sa thải người lao động theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy, trong trường hợp công ty quyết định sa thải người lao động nhưng không đưa ra được một trong những căn cứ nêu trên thì người lao động có thể khiếu nại (đến Ban Giám đốc công ty) để bảo vệ quyền lợi của mình. 

Nếu kết quả giải quyết khiếu nại không thỏa đáng, hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại (khoảng 30 - 45 ngày) mà công ty không giải quyết thì có thể khiếu nại lần 2 đến Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, nơi NSLĐ đặt trụ sở chính để được giải quyết. 

4. Một số câu hỏi liên quan

4.1. Bị sa thải có khó xin việc lại không?

Việc bị sa thải ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình tìm công việc mới của người lao động nhưng không hẳn là không thể xin việc. Hơn nữa, có rất nhiều trường hợp người lao động bị công ty sa thải một cách vô lý mà không có lý do. 

Do đó, không thể dựa vào việc bạn bị sa thải mà đánh giá kỹ năng, trình độ chuyên môn và kiến thức của bạn. Bạn có thể tham khảo những hướng dẫn của Luật Ánh Ngọc ở phần trên để tìm công việc phù hợp với bản thân mình. 

4.2. Thời hiệu xử lý kỷ luật sa thải là bao lâu?

Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm. 

Đối với trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng.

4.3.  Người lao động đang mang thai, công ty có quyền sa thải không?

Theo điểm d khoản 2 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, trong thời gian người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì không bị xử lý kỷ luật. 

Do đó, để xử lý kỷ luật sa thải người lao động thì công ty phải chờ hết thời gian nêu trên. 

Như vậy, Luật Ánh Ngọc đã giải đáp băn khoăn của bạn đọc về vấn đề “Bị sa thải có ảnh hưởng gì không?” và một số nội dung pháp lý liên quan đến xử lý kỷ luật sa thải. Hy vọng bài viết có thể giúp ích cho bạn đọc. 

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.