1. Chuyển đổi giới tính được hiểu như thế nào?
Theo pháp luật hiện hành, người chuyển đổi giới tính được hiểu là người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác có đề nghị xác định lại giới tính.
Người có khuyết tật bẩm sinh về giới là người có những bất thường ở bộ phận sinh dục ngay từ khi sinh ra như nữ lưỡng giới giả nam (bộ phận sinh dục có âm vật phát triển như dương vật nhưng không có tinh hoàn, nội soi có tử cung, buồng trứng), nam lưỡng giới giả nữ (bộ phận sinh dục có dương vật nhỏ, có hoặc không có tinh hoàn, không có tử cung và buồng trứng) hoặc lưỡng giới thật (tuyến sinh dục có cả tổ chức tinh hoàn, buồng trứng).
Người có giới tính chưa được định hình chính xác là những người chưa thể phân biệt được là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.
Tuy nhiên, từ khái niệm trên có thể thấy, định nghĩa về người chuyển giới chưa thật sự thỏa đáng. Bản chất của những người chuyển giới theo quy định trên chỉ là việc xác định chính xác giới tính bẩm sinh của họ. Điều này đã không thể bao quát được hết những vấn đề chuyển đổi giới tính đang xảy ra trên thực tế. Vì vậy, trong dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính mới đây, đã đưa ra định nghĩa về người chuyển giới như sau:
Người chuyển đổi giới tính là những người mà khi sinh ra, họ đã được xác định là nam hay nữ nhưng tự cảm thấy giới tính của mình khác với giới hiện có (một người sinh ra là nam nhưng có hành vi, cư xử và cảm nhận về bản thân là nữ).
Người chuyển giới bao gồm người chuyển giới nam sang nữ và người chuyển giới từ nữ sang nam.
Người chuyển đổi giới tính có thể can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Việc can thiệp y học là việc sử dụng nội tiết tố sinh dục (nội tiết tố nam do tinh hoàn tiết ra hoặc do buồng trứng tiết ra) và/hoặc phẫu thuật ngực và/hoặc phẫu thuật bộ phận sinh dung với mong muốn chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ cơ thể đang có giới tính sinh học nam sang nữ hoặc ngược lại phù hợp với giới tính mà họ mong muốn.
Cũng theo Dự thảo Luật này, việc chuyển đổi giới tính phải đảm bảo:
- Sau khi chuyển đổi giới tính, người đó được sống thật với giới tính mà mình mong muốn.
- Can thiệp y tế để chuyển đổi là tự nguyện. Điều đó có nghĩa là, nếu một người là nam nhưng không thực hiện các hành vi can thiệp y tế thì dù ngoại hình là nam, họ vẫn được xem là người chuyển giới nữ. Không được cản trở, gây khó khăn đối với can thiệp y tế để chuyển đổi giới tính.
- Không được kỳ thị, phân biệt đối xử với người chuyển giới và gia đình của họ.
- Có thái độ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm mọi quyền cơ bản của người chuyển giới. Nghiêm cấm việc tiết lộ thông tin, bí mật cá nhân của người chuyển đổi giới tính mà không được sự đồng ý.
2. Điều kiện được công nhận là người chuyển đổi giới tính
Hiện nay pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về điều kiện được công nhận là chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính đã đưa ra một số điều kiện công nhận, như sau:
2.1. Đối với người chuyển đổi giới tính không thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính
- Phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Từ đủ 18 tuổi nghĩa là họ phải qua sinh nhật lần thứ 18 (18 năm 01 ngày) và có khả năng xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể một cách độc lập và tự chịu trách nhiệm với mọi hành vi của mình.
- Có giới tính sinh học hoàn thiện. Khi sinh ra, người đó đã được xác định là nam hay nữ dựa trên nhiễm sắc thể, cơ quan sinh dục trong và bộ phận sinh dục ngoài.
- Đã được Hội đồng xác định giới xác tính xác nhận có nhận diện giới khác với giới tính sinh học hoàn thiện hiện có. Hội đồng xác định giới tính được Bệnh viện được phép can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thành lập, gồm hai người: bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý, ngoài ra có thể có thêm chuyên gia có kinh nghiệm tối thiểu 05 năm làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi giới tính.
2.2. Người đề nghị chuyển giới đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính
Để được công nhận là người chuyển đổi giới tính, họ phải có đơn đề nghị công nhận là người chuyển đổi giới tính và thỏa mãn một trong hai điều kiện:
- Đã sử dụng nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính từ đủ 02 năm liên tục
- Đã thực hiện xong các phẫu thuật về ngực, bộ phận sinh dục hoặc một trong hai.
3. Hồ sơ thực hiện chuyển đổi giới tính
Hiện nay, theo quy định của Nghị định 88/2008/QĐ-CP của Chính phủ về xác định lại giới tính (gọi là Nghị định 88/2008), thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính bị nghiêm cấm. Do đó, đối với những trường hợp người chuyển giới được đề cập theo như Dự thảo luật, họ chưa được phép thực hiện việc chuyển đổi giới tính.
Theo quy định tại Nghị định 88/2008, hồ sơ đề nghị xác định lại giới tính gồm:
- Đơn đề nghị xác định lại giới tính theo mẫu của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trường hợp người đề nghị chưa đủ 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ có đơn đề nghị. Nếu người đó từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì trong đơn phải có chữ ký của cha mẹ, người giám hộ.
- Bản sao hợp lệ giấy khai sinh hoặc chứng minh thư nhân dân hoặc sổ hộ khẩu.
Tuy nhiên, Điều khoản quy định về hồ sơ, thủ tục đề nghị xác định lại giới tính của Nghị định trên đã được bãi bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc, người xác định giới tính sẽ được mặc nhiên xác định lại giới tính sau khi khám lâm sàng, cận lâm sàng và xem việc xác định lại giới tính như là một điều trị y tế.
4. Thực hiện chuyển đổi giới tính ở đâu?
Người chuyển đổi giới tính sẽ thực hiện việc chuyển đổi giới tính tại các Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính. Đây là các bệnh viện công lập đa khoa, chuyên khoa ngoại, nhi tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc các bệnh viện tư nhân có khoa ngoại, khoa sản hoặc khoa nhi, đồng thời phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt các hoạt động chuyên môn về can thiệp y tế xác định lại giới tính.
Tại đây, người chuyển đổi giới tính sẽ được tổ chức khám lâm sàng (ngoại hình, bộ phận sinh dục, trắc nghiệm tâm lý giới tính) và khám cận lâm sàng (siêu âm, nội soi, xét nghiệm nội tiết tố, xét nghiệm nhiễm sắc thể giới,…). Trên cơ sở đề nghị và kết quả hội chẩn chuyên môn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ tiến hành điều trị xác định lại giới tính cho người đề nghị và cấp Giấy chứng nhận y tế sau khi đã xác định lại giới tính cho người đã can thiệp y tế theo mẫu của cơ sở đó.
5. Thủ tục thay đổi giấy tờ cho người chuyển giới sau khi chuyển đổi giới tính
Sau khi thực hiện chuyển đổi giới tính, người chuyển giới sẽ không còn mang giới tính được thể hiện trên giấy khai sinh. Ngoài ra để phù hợp với giới tính mới, họ còn có thể muốn thay đổi họ tên, chữ đệm, thông tin trên Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế.... Trong trường hợp này, người chuyển giới phải thực hiện việc thay đổi giấy tờ tùy thân.
Theo Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015, các cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền và nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Như vậy, để thực hiện việc thay đổi thông tin, người chuyển giới cần thực hiện các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm: Mẫu tờ khai thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch (trong đó, nội dung cần thay đổi là tên và giới tính); Giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan đến việc thay đổi giới tính.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú. Thời gian giải quyết là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Đối với Căn cước công dân, người chuyển giới cần mang tờ khai đổi thẻ Căn cước công dân theo mẫu và Căn cước công dân cũ đến Cơ quan quản lý Căn cước công dân ở huyện nơi người đó cư trú để thực hiện việc thay đổi. Ngoài ra, có thể thực hiện trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Thời hạn đổi thẻ Căn cước công dân không quá 15 ngày hoặc 20 ngày làm việc đối với khu vực miền núi, biên giới hải đảo, không quá 07 ngày làm việc đối với khu vực thành phố, thị xã.
Xem thêm các bài viết:
Các trường hợp nào được cấp lại Giấy chứng nhận tên định danh
6. Thủ tục pháp lý chuyển đổi giới tính
Mặc dù Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính vẫn đang trong quá trình thảo luận, xem xét, nhưng qua nội dung dự thảo, người có mong muốn chuyển đổi giới tính có thể tham khảo, chuẩn bị thật tốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký chuyển đổi giới tính sau khi Luật này có hiệu lực pháp luật.
6.1. Bước 1: Chuẩn bị Hồ sơ đề nghị chuyển đổi giới tính
Theo Dự thảo, để thực hiện hiện chuyển đổi giới tính, người có nhu cầu phải có 01 bộ hồ sơ đề nghị công nhận là người chuyển đổi giới tính, bao gồm:
- Đơn đề nghị công nhận là người chuyển đổi giới tính;
- Giấy tờ chứng minh đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính đối với người không thực hiện chuyển đổi giới tính tại bệnh viện đề nghị công nhận.
6.2. Bước 02: Nộp hồ sơ chuyển đổi giới tính ở đâu?
Người chuyển đổi nộp 01 hồ sơ tại một trong những đơn vị:
- Bệnh viện đã được phép thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính
- Bệnh viện đã điều trị nội tiết tố sinh dục. Bệnh viện được phép điều trị nội tiết tố sinh dục là bệnh viện chuyên khoa nội, nội tiết, sản khoa hoặc nam học hoặc bệnh vện đa khoa có chuyên khoa nội, nội tiết, sản khoa hoặc nam học hoặc bệnh viện Nhi đã được cấp giấy phép hoạt động. Đồng thời phải có bác sĩ chuyên khoa và đào tạo về điều trị nội tiết tố để chuyển đổi giới tính.
- Bệnh viện đã phẫu thuật ngực hoặc phẫu thuật bộ phận sinh dục để chuyển đổi giới tính cho người đề nghị chuyển giới. Đây là bệnh viện thẩm mỹ, bệnh viện đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phẫu thuật tạo hình đối với phẫu thuật ngực và các bệnh viện có khoa phẫu thuật tạo hình, tiết niệu hoặc nội tiết, sản hoặc nam học và có các bác sỹ được đào tạo chuyên khoa các lĩnh vực trên.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ của người đề nghị và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ là 03 ngày làm việc.
6.3. Mất bao lâu để được công nhận là người chuyển đổi giới tính
- Đối với người chuyển giới không thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi thì tối thiểu 06 tháng, người đó sẽ được cấp Giấy công nhận là người chuyển đổi giới tính nếu Hội đồng xác định giới tính xác định và theo dõi liên tục trong thời gian 06 tháng đẻ lấy cơ sở kết luận. Trường hợp không được công nhận, Bệnh viện phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do không công nhận.
- Đối với người chuyển giới thực hiện can thiệp y học thì Bệnh viện nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ cấp Giấy Công nhận là người chuyển đổi giới tính cho người đó trong 01 ngày làm việc sau khi tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp không được công nhận, Bệnh viện phải có văn bản trả lời lý ro không công nhận.
- Đối với người chuyển đổi giới tính không thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính tại Bệnh viện có đề nghị công nhận, bệnh viện thực hiện việc kiểm tra lại để xác định xem người đó đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính hay chưa. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xác định việc thực hiện can thiệp y học, Bệnh viện sẽ cấp Giấy công nhận chuyển đổi giới tính hoặc văn bản từ chối công nhận.
7. Những lưu ý khi thực hiện việc chuyển đổi giới tính
Để được xem là nhận diện giới khác với giới tính sinh học hoàn thiện, người đó phải từ đủ 16 tuổi trở lên và có ít nhất 02 trong số các dấu hiệu tâm lý:
Không có sự thống nhất giữa những trải nghiệm, thể hiện ra bên ngoài với các đặc điểm giới tính (thể hiện bằng bộ phận sinh dục trừ cơ quan sinh dục).
- Mong muốn mạnh mẽ để thoát khỏi giới tính bẩm sinh
- Có mong muốn mãnh liệt được đối xử như người có giới tính khác hoặc được mang những đặc điểm của người có giới tính khác (Người nam mong muốn có ngực,..).
- Có niềm tin mãnh liệt về cảm xúc và phản ứng điển hình của giới tính khác.
- Có sự bức bối hoặc phiền muộn, lo âu gây ra bởi sự khác nhau giữa giới tính bẩm sinh và nhận thức bên trong của mình về giới tính.
Người chuyển đổi giới tính có can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phải là người độc thân, từ đủ 16 tuổi trở lên và có đủ sức khỏe về tâm thần, thể chất, không chống chỉ định điều trị nội tiết tố sinh dục.
Trên đây, Luật Ánh Ngọc đã cung cấp những hướng dẫn chi tiết, đầy đủ thủ tục chuyển đổi giới tính mới nhất theo pháp luật hiện hành cũng như một số thông tin bổ sung về quy định của pháp luật hiện nay để tham khảo. Mọi thắc mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi giới tính, xác định lại giới tính, xin vui lòng liên hệ với Luật Ánh Ngọc qua số điện thoại: 0878.548.558 hoặc qua email: lienhe@luatanhngoc.vn để được tư vấn nhanh chóng và thuận tiện.