1. Các trường hợp bị thu hồi Giấy phép lao động
Giấy phép lao động là văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo các hình thức:
- Thực hiện hợp đồng lao động;
- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
- Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;
- Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;
- Chào bán dịch vụ;
- Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
- Tình nguyện viên;
- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
- Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;
- Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam;
- Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam.
Căn cứ theo Điều 20 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, có 03 trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động, gồm:
- Giấy phép lao động hết hiệu lực. Căn cứ theo Điều 156 Bộ luật Lao động, giấy phép lao động hết hiệu lực trong các trường hợp:
- Giấy phép lao động hết thời hạn;
- Chấm dứt hợp đồng lao động;
- Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp;
- Làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp;
- Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt;
- Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
- Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động là người nước ngoài chấm dứt hoạt động;
- Người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định Nghị định 152/2020/NĐ-CP:
- Không tuân thủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động;
- Không tuân thủ các quy định về tuyển dụng, giới thiệu, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
- Trong quá trình làm việc ở Việt Nam, người lao động nước ngoài không thực hiện đúng pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
2. Thủ tục thu hồi Giấy phép lao động
Tùy thuộc vào từng trường hợp bị thu hồi giấy phép, pháp luật quy định trình tự, thủ tục hồi giấy phép lao động là khác nhau:
Đối với trường hợp thu hồi giấy phép do hết hiệu lực:
- Trong 15 ngày kể từ ngày giấy phép lao động hết hiệu lực, người sử dụng lao động thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài;
- Người sử dụng lao động nộp lại giấy phép lao động tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kèm theo văn bản nêu rõ lý do thu hồi;
Đối với trường hợp thu hồi giấy phép lao động thuộc còn lại:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động ra quyết định thu hồi giấy phép lao động;
- Thông báo cho người sử dụng lao động để thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài và nộp lại cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép lao động đã thu hồi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản xác nhận đã thu hồi giấy phép lao động gửi người sử dụng lao động.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lao động là cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép lao động. Trong trường hợp người lao động bị thu hồi giấy phép thì không được cấp lại giấy phép.
3. Giải đáp một số thắc mắc
3.1. Không có giấy phép lao động thì có bị xử lý không?
Theo Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động hoặc người sử dụng lao động không có giấy phép sẽ bị xử phạt vi phạm. Cụ thể:
- Đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có Giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Ngoài ra, người lao động còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Đối với người sử dụng lao động, người sử dụng lao động sử dụng lao động không có giấy phép hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động thì bị phạt tiền với mức phạt như sau:
- Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
- Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
- Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 21 người trở lên.
Ngoài ra, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không giấy phép còn bị trục xuất ra khỏi Việt Nam.
3.2. Các trường hợp được cấp lại giấy phép lao động
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 152/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 70/2023/NĐ-CP) giấy phép lao động được cấp lại trong 03 trường hợp:
- Giấy phép lao động còn thời hạn bị mất;
- Giấy phép lao động còn thời hạn bị hỏng;
- Thay đổi một trong các nội dung giấy phép lao động còn thời hạn sau: họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc, đổi tên doanh nghiệp mà không thay đổi mã số doanh nghiệp.
Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về các trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động. Nếu có bất kỳ vấn đề nào thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý tại Luật Ánh Ngọc, xin vui lòng liên hệ để được giải đáp, hỗ trợ.