Thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh công cụ hỗ trợ


Thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh công cụ hỗ trợ
Các doanh nghiệp muốn kinh doanh công cụ hỗ trợ cần xin giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực vũ khí, vật liệu nổ.

1. Giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ là gì

Công cụ hỗ trợ là những phương tiện nghiệp vụ và động vật nghiệp vụ được sử dụng để bảo vệ người thi hành công cụ khỏi những hành vi chống trả hoặc ngăn chặn những hành vi như trốn chạy, tẩu thoát của người có hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, công cụ hỗ trợ còn dùng để báo hiệu khẩn cấp. Các công cụ hỗ trợ bao gồm: súng điện, dùi cui, hơi cay, pháo hiệu,... Công cụ hỗ trợ rất nguy hiểm và cần được sử dụng đúng cách, pháp luật quy định chỉ những người thi hành công vụ mới được sử dụng công cụ hỗ trợ.

Giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ là sự cấp phép bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện theo luật định, được phép buôn bán, nghiên cứu, chế tạo, xuất nhập khẩu,... các loại công cụ hỗ trợ.

2. Ai có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập kinh doanh công cụ hỗ trợ

Công cụ hỗ trợ là những phương tiện đặc biệt cần có sự quản lý của nhà nước, bởi nếu để tuỳ ý kinh doanh, sản xuất và sử dụng thì những công cụ này rất có thể biến thành phương tiện để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Do đó muốn kinh doanh công cụ này cần phải có sự cho phép từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quản lý trong lĩnh vực vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an chính là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập kinh doanh công cụ hỗ trợ bởi đây là Cục có thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực vũ khí, vật liệu nổ,... Muốn được cấp giấy phép, cần trải qua sự kiểm duyệt, kiểm tra từ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Ai cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ
Ai cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ?

3. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ

Bước 1: Tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh công cụ hỗ trợ nộp hồ sơ tại cơ quan Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần. 

Bước 2: Cán bộ tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ và thành phần của hồ sơ. 

TH1: Hồ sơ đủ điều kiện thì tiếp nhận hồ sơ, ghi vào sổ theo dõi hồ sơ đã tiếp nhận; ghi và giao giấy biên nhận hồ sơ cho người  đến nộp hồ sơ.

TH2: Hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thủ tục hoặc kê khai chưa chính xác thì hướng dẫn bằng văn bản ghi rõ thủ tục, nội dung cần bổ sung, kê khai lại.

TH3: Hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận hồ sơ và trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do không tiếp nhận cho tổ chức, doanh nghiệp đã đề nghị.

Bước 3: Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy biên nhận hồ sơ, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh công cụ hỗ trợ đến nơi nộp hồ sơ để nhận kết quả Giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ.

4. Một số câu hỏi liên quan

Hỏi: Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ gồm những gì?

Đáp: Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ bao gồm những giấy tờ sau, theo Điều 53 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017

  • Văn bản đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ;
  • Bản sao quyết định thành lập hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Bản sao giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản công cụ hỗ trợ;
  • Danh sách người quản lý, người phục vụ có liên quan trực tiếp đến công tác bảo quản và kinh doanh công cụ hỗ trợ; hồ sơ cá nhân của người đại diện doanh nghiệp; kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp đối với kho bảo quản công cụ hỗ trợ;
  • Giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ.

Lưu ý: các bản sao phải được công chứng hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Ai có thẩm quyền trang bị công cụ hỗ trợ cho đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ?

Đáp: Căn cứ theo pháp luật hiện hành, thẩm quyền trang bị công cụ hỗ trợ được quy định như sau: 

  • Bộ trưởng Bộ Công an quyết định trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho toàn lực lượng Công an nhân dân; quyết định trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương mới được thành lập.
  • Thủ trưởng cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an quyết định trang bị bổ sung vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an.
  • Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đã được trang bị để quyết định trang bị cụ thể loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương thuộc phạm vi quản lý.
  • Trường hợp Công an cấp tỉnh khi có nhu cầu trang bị bổ sung vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bằng nguồn kinh phí của địa phương thì Giám đốc Công an cấp tỉnh phải có báo cáo gửi cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định

Trên đây là những vấn đề liên quan đến thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ. Nếu có bất kỳ thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ tư vấn và giải đáp.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.