1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu gồm những nội dung nào ?
Cửa hàng bán lẻ xăng dầu là cơ sở kinh doanh chuyên cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy, xe tải và các phương tiện khác. Để được phép tiến hành hoạt động kinh doanh, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bán lẻ xăng dầu.
Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu là giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu:
- Có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch của Nhà nước về mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu phục vụ nhu cầu xăng dầu lưu thông;
- Thuộc sở hữu hoặc được thuê trong thời hạn ít nhất năm (05) năm bởi thương nhân kinh doanh xăng dầu;
- Đáp ứng các điều kiện về xây dựng, thiết kế, trang thiết bị, cán bộ quản lý và nhân viên kinh doanh trực tiếp.
Giấy chứng nhận được cấp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải thể hiện được những nội dung chính như:
Thứ nhất, các thông tin của cửa hàng bán lẻ xăng dầu như tên cửa hàng, địa chỉ kinh doanh, số điện thoại của cửa hàng, số fax, các thông tin liên quan đến thương nhân sở hữu cửa hàng, thương nhân cung cấp xăng dầu cho cửa hàng.
Đây là những thông tin quan trọng phải có trong Giấy chứng nhận, nhằm nhận diện và phân biệt giữa các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên thị trường và giữa các cửa hàng bán lẻ cũng thuộc sở hữu của doanh nghiệp.
Thứ hai, xác định cửa hàng bán lẻ xăng dầu đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, xác định trách nhiệm tuân thủ đúng các quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan của cửa hàng và của thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Thứ ba, ghi nhận loại giấy phép (giấy phép cấp mới, giấy phép cấp bổ sung, sửa đổi, giấy phép cấp lại); hiệu lực của giấy phép, trong đó phải nêu rõ ngày giấy phép hết hiệu lực, giấy phép thay thế cho Giấy chứng nhận nào (nếu là cấp bổ sung, sửa đổi, cấp lại).
Các thông tin ghi nhân trên Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu có ý nghĩa quan trọng:
Đối với nhà nước, Giấy chứng nhận cấp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu là sự ghi nhận của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân; thực hiện quản lý chung đối với hoạt động kinh doanh xăng dâu - mặt hàng thiết yếu của xã hội;
Đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu, giấy phép bán lẻ xăng dầu là căn cứ pháp lý quan trọng để tiến hành hoạt động bán lẻ xăng dầu, đồng thời phòng tránh rủi ro cho thương nhân trong trường hợp có rủi ro phát sinh trong thị trường xăng dầu chung trong cả nước;
Đối với người tiêu dùng xăng dầu, nhà nước thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng thông qua việc kiểm tra điều kiện bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng, chất lượng và số lượng xăng dầu cung cấp ra thị trường đảm bảo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng,....
2. Các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu
Hoạt động xin cấp phép bán lẻ xăng dầu được thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đáp ứng các điều kiện bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, trong các trường hợp do pháp luật quy định, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Căn cứ khoản 6 Điều Nghị định 83/2014/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP, Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xăng dầu và có văn bản đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đã được cấp cho thương nhân. Đây là trường hợp thương nhân chủ động rút khỏi thị trường kinh doanh xăng dầu, không tiếp tục hoạt động kinh doanh xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Việc ngừng kinh doanh xăng dầu của thương nhân tại một cửa hàng bán lẻ xăng dầu cụ thể không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khác cũng thuộc sở hữu của thương nhân nếu thương nhân có nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Thứ hai, thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định pháp luật.
Giải thể, phá sản tuy có sự khác biệt nhất định về thủ tục thực hiện và hậu quả pháp lý, nhưng nhìn chung đây là hai hình thức chấm dứt hoạt động, chấm dứt sự tồn tại của thương nhân.
Đối với thương nhân kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu, khi thực hiện thủ tục giải thể, phá sản, cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng cung cấp xăng dầu ra thị trường, thương nhân chấm dứt hoạt động kinh doanh tại cửa hàng.
Thứ ba, thương nhân vi phạm các quy định về điều kiện của cửa hàng bán lẻ xăng dầu và không khắc phục trong thời gian chín mươi (90) ngày kể từ ngày ta quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, trong đó quy định về hình thức và mức xử phạt đối với hành vi vi phạm điều kiện của cửa hàng bán lẻ xăng dầu (cụ thể tại khoản 1 Điều 14 Nghị định).
Thương nhân vi phạm có trách nhiệm khắc phục vi phạm trước khi hết thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép bán lẻ xăng dầu, trường hợp không khắc phục theo các điều kiện về cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định.
Thứ tư, thương nhân đang bị xử lý vi phạm mà tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường và các quy định pháp luật về chất lượng.
Nghị định 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, trong đó quy định về hành vi, hình thức và mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (Điều 20).
Theo đó, thương nhân vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt theo quy định, bị buộc khắc phục hậu quả do hành vi gây ra. Trường hợp thương nhân đang bị áp dụng các biện pháp xử phạt nhưng không khắc phục vi phạm hoặc tiếp tục vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép theo quy định.
3. Thủ tục thu hồi giấy phép bán lẻ xăng dầu
Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu là một trong các loại giấy phép kinh doanh xăng dầu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp do vậy, việc thu hồi Giấy chứng nhận của cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải do cơ quan nhà nước được trao thẩm quyền thực hiện.
Quy định tại khoản 6 Điều 25 Nghị định 83/2014 được sửa đổi bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 80/2023, thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, tương tự như thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, được xác định là Sở Công thương.
Việc thu hồi được thực hiện theo thủ tục sau:
- Sở Công thương ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã cấp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu;
- Gửi quyết định thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho chủ sở hữu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu bị thu hồi giấy phép – thương nhân sở hữu cửa hàng; thông báo việc ra quyết định thu hồi giấy phép đến các cơ quan liên quan và đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Công thương;
- Thương nhân kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu bị thu hồi giấy phép, sau khi nhận được quyết định, thực hiện việc nộp lại Giấy chứng nhận.
4. Một số lưu ý khi bị thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu
Khi bị thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thương nhân kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu cần lưu ý về các vấn đề sau:
Thứ nhất, việc bị thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu thương nhân phải dừng các hoạt động của cửa hàng bán lẻ xăng dầu bao gồm việc nhập dầu và cung ứng dầu ra thị trường.
Trường hợp cửa hàng tiếp tục kinh doanh sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận, tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm theo quy định pháp luật.
Thứ hai, thời hạn thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Việc thu hồi giấy phép bán lẻ xăng dầu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được xác định thời hạn, tức thương nhân không được trao trả lại giấy phép đã bị thu hồi sau khi đã khắc phục các nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi giấy phép.
Thứ ba, thương nhân kinh doanh xăng dầu vẫn được phép tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh xăng dầu nếu đã khắc phục xong các vi phạm dẫn đến việc bị thu hồi giấy phép.