Thủ tục xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất


Thủ tục xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất
Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất là giấy phép tài nguyên nước do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển… Giấy phép được cấp đối với các trường hợp khai thác, sử dụng vì mục đích sản xuất nông nghiệp – công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thủy điện, thủy lợi,.. Để được cấp giấy phép này thì cá nhân, tổ chức phải đáp ứng điều kiện gì? Thủ tục xin cấp giấy phép ra sao?

1. Điều kiện cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

Bên cạnh các loại giấy phép tài nguyên nước như giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, giấy phép  xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất là loại giấy phép cấp cho tổ chức, cá nhân thực hiện khai thác, sử dụng nguồn nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất.

Để được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, cơ quan, tổ chức khai thác, sử dụng phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Đã lấy ý kiến đại diện UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, UBND cấp huyện, đại diện đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước chịu ảnh hưởng của việc khai thác, sử dụng nước của dự án và tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
  • Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước. Thông tin, số liệu sử dụng để lập báo cáo đề án phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực;
  • Phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước mặt phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.

2. Trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

Trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất
Trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

2.1. Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

Căn cứ theo Điều 31 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép;
  • Sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất;
  • Trường hợp công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên thì bổ sung báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất kèm theo phương án khai thác. Nếu quy mô công trình dưới 200 m3/ngày đêm trong trường hợp chưa có công trình khai thác thì chuẩn bị báo cáo kết quả thi công giếng khai thác; Báo cáo hiện trạng khai thác đối với công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động;
  • Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

2.2. Quy trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin giấy phép

* Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ:

Tùy thuộc vào quy mô công trình khai thác, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ ở Bộ Tài nguyên và môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường:

  • Nộp hồ sơ tại Bộ Tài nguyên và môi trường trong trường hợp khai thác đối với công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ trên 3.000 m3/ngày đêm;
  • Nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng chính phủ và không thuộc trường hợp khai thác với lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;
  • Nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và môi trường cấp tỉnh nơi khai thác, sử dụng nước dưới đất trong trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất tương tự như Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan tiếp nhận (Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường, Bộ phận một cửa, Trung tâm phục vụ hành chính công) tiến hành tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, tổ chức, cá nhân sẽ nhận được thông báo bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận trả hồ sơ và thông báo lý do trả.

Tuy nhiên, từ sau ngày 01/7/2024 do Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực thi hành, tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước sẽ nộp hồ sơ tại:

  • Bộ Tài nguyên và môi trường đối với công trình có quy mô khai thác nước lớn, công trình khai thác nước có tác động ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh;
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các trường hợp không thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Như vậy, theo quy định của Luật tài nguyên năm 2023, Sở Tài nguyên và môi trường cấp tỉnh không còn thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất.

* Thẩm định đề án, báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận tiến hành thẩm định đề án, báo cáo, kiểm tra thực tế hiện trường nếu cần thiết:

  • Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép thì trả lại hồ sơ và thông báo lý do;
  • Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, báo cáo thì tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép nhận được thông báo nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo. Thời hạn bổ sung, hoàn thiện đề án báo cáo không tính vào thời gian thẩm định;
  • Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo thì tổ chức cá nhân xin cấp sẽ nhận được văn bản thông báo nêu rõ những nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và bị trả hồ sơ xin cấp giấy phép;
  • Trường hợp đủ điều kiện cấp phép thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

2.3. Nhận kết quả

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép biết để nhận giấy phép.

3. Một số câu hỏi thường gặp

Một số câu hỏi thường gặp

Câu hỏi thường gặp

3.1. Thời hạn của giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

Trường hợp cá nhân, tổ chức xin giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất trước ngày 01/7/2024 (ngày Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực), thời hạn của giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất là tối đa 10 năm, tối thiểu 03 năm, được gia hạn tối thiểu 02 năm và tối đa 05 năm trong một lần gia hạn, không hạn chế số lần gia hạn.

Trường hợp cá nhân, tổ chức xin giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất sau ngày 01/7/2024, thời hạn của giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất có thười hạn tối thiểu 03 năm, tối đa 05 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 03 năm.

Như vậy, có thể thấy, từ sau ngày Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực, thời hạn của giấy phép tài nguyên nước dưới đất bị rút ngắn từ 10 năm xuống còn 05 năm và thời gian gia hạn tối đa 03 năm.

3.2. Có được cấp lại giấy phép tài nguyên nước nếu bị thu hồi giấy phép

Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, có hai trường hợp được cấp lại giấy phép tài nguyên nước, gồm:

  • Giấy phép bị rách, nát, hư hỏng hoặc bị mất;
  • Tên của chủ giấy phép đã bị thay đổi do đổi tên, nhận chuyển nhượng, bàn giao, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức nhưng không có sự thay đổi các nội dung khác trong giấy phép.

Như vậy, trong trường hợp bị thu hồi giấy phép tài nguyên nước, cá nhân, tổ chức không được xin cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.