Top mẫu kịch bản tiểu phẩm tranh chấp đất đai thú vị


Top mẫu kịch bản tiểu phẩm tranh chấp đất đai thú vị

Hiện nay, vẫn có những mâu thuẫn tranh chấp đất đai xảy ra thường xuyên. Để hình dung và hiểu rõ hơn về quy định pháp luật về những tranh chấp đất đai thường xảy ra cũng như biện pháp khắc phục và hạn chế xảy ra, Luật Ánh Ngọc xin gửi đến khách hàng những mẫu kịch bản tiểu phẩm liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai, đặc biệt là tranh chấp phần đất giáp ranh.

1. Tiểu phẩm về việc phải chặt cây có nguy cơ đổ ngã làm nguy hiểm

Những người tham gia trong tiểu phẩm:
  • Ông T - người có đất giáp ranh với đất nhà ông B;
  • Bà L - vợ ông Trọng;
  • Ông B - người có đất giáp ranh với đất nhà ông T;
  • Ông L - hòa giải viên của tổ hòa giải thôn.

Tiểu phẩm: 

Ông T và ông B là hàng xóm, có đất ở giáp ranh với nhau. Trước đây, khoảng năm 1971, để phân ranh giữa hai thửa đất, bố của ông T và bố của ông B thống nhất trồng hai cây bàng ở hai đầu làm mốc ranh giới xác định nhà của hai bên. Và mỗi bên chịu trách nhiệm chăm sóc để giữ hai cây đó làm mốc ranh giới.

Theo thời gian, hai cây bàng phát triển, tỏa tán rộng sang thửa đất của cả hai gia đình. Tuy nhiên, sau trận giông lốc mới xảy ra gần đây, khiến cho cây bàng do gia đình ông T quản lý bị gió giật mạnh, nghiêng ngả qua hướng nhà ông B. Ông B vì lo sợ cây nhãn ngã đổ vào nhà mình gây nguy hiểm cho mọi người trong gia đình nên định bụng sang gặp ông T để đề nghị đốn cây tránh để tình trạng nguy hiểm. Sáng hôm sau, thấy vợ chồng ông T đang dọn dẹp trong vườn, ông B đứng bên bờ tường giọng với sang.

Ông B: Ông bà T dọn vườn à.

Bà L - vợ ông T: Vâng, trận giông lốc hôm trước khiếp quá ông ạ, từ thời cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa thấy có trận mưa lốc nào lớn đến thế. Nãy ra chợ, gặp ai tôi cũng thấy nói về trận giống lốc này. Nhiều gia đình cũng bị thiệt hại nhà nữa cơ.

Ông B: Tôi nhớ hình như năm nào đó, lâu lắm rồi cũng có trận giông lốc lớn xảy ra nhưng chắc cũng không to bằng trận hôm qua ông bà nhỉ.

Ông T: Vâng, sợ nhất là lốc xoáy ông ạ, nguy hiểm mà không biết làm gì cả. Trong nhà ngồi nghe gió rít mà thấy hãi. Đường lên huyện, mấy cây to bị bật gốc vẫn đang nằm giữa đường đấy, may mà không ai đi qua lúc cây đổ chứ không thì đi toi ông ạ.

Ông B: Đúng đấy. À, mà nói đến cây đổ, tôi mới nhớ ra chuyện này. Cây bàng này, bình thường nó đã nghiêng sang nhà tôi rồi, nhưng sau trận mưa lốc hôm qua thì tôi thấy nghiêng hẳn sang phía nhà tôi rồi. Ông bà thấy không, cái cành to kia đã gần chạm vào mái nhà tôi rồi. Nguy hiểm lắm, nên ông bà chặt cây bàng này đi chứ có ngày nó bật gốc là nguy hiểm cho cả hai nhà

Bà L: Từ trước đến giờ, nó vẫn nghiêng vậy, có làm sao đâu mà phải chặt, với nó không đổ được đâu

Ông B: Nó có nghiêng vào nhà bà đâu mà bà sợ. Mà nó đổ, ông bà có bán cả mảnh vườn này cũng chả đủ tiền để đền bù cho tôi đâu. Ông bà tự mà chặt sớm đi

Ông T: Thế tôi chặt cây này, ông chặt cây kia được không?

Ông B: Ô hay, cây bàng  kia làm sao mà phải chặt. Nó có chen vào nhà ông đâu

Ông T: Ông bảo ai vô lý, có mà ông vô lý thì có đấy.

Ông B: Thế chốt lại là ông bà có chặt không? Ông bà không tự chặt tôi thưa đến ông L trưởng thôn (đồng thời cũng là tổ trưởng tổ hòa giải thôn) để giải quyết đấy.

Bà L: Thích thì ông cứ nói chứ gia đình tôi có làm gì sai đâu. Tôi chẳng sợ.

Ông B :Được, ông bà không phải thách. (Vừa nói, ông B vừa rút điện thoại gọi cho ông L)

Ông L: Alo

Ông B: Ông L ạ, tôi B đây. Tôi gọi điện trình báo với thôn, với tổ hòa giải việc sau ạ. Sau đó ông B kể hết đầu đuôi cho ông L nghe... Sau đó ông B đề nghị chính quyền thôn, tổ hòa giải giải quyết giúp ngay.

Ông L: Được. 15 phút nữa tôi sẽ đến để giải quyết.

Cúp máy điện thoại, ông L vào nhà mặc thêm chiếc áo sơ mi. Đứng suy nghĩ một chút về vụ việc, ông đến tủ sách cầm quyển Bộ luật dân sự mới mượn đọc ở tủ sách pháp luật xã rồi đến nhà ông B để nói chuyện

Tại nhà ông B, ông L  bước vào sân gọi ông B ra nói chuyện

Ông B thấy vậy liền nói: Ông đã đến ạ. Mời ông vào ạ.

Ông L: Mời ông bà T  sang bên nhà ông B, chúng ta cùng trao đổi về vụ việc được không ạ?

Ông T: Được, vợ chồng tôi sang ngay giờ.

Tại bàn uống nước nhà ông B, vợ chồng ông T, bà L ngồi một bên. Ông L , ông B ngồi một bên.

Ông Long trình bày: Khi nãy, ông B có điện thoại nói sơ qua về vụ việc cho tôi nghe. Giờ có cả vợ chồng ông bà T và L, trước tiên, tôi đề nghị ông B trình bày lại một cách trung thực vụ việc để cho mọi người cùng nghe

Ông B trình bày lại đầu đuôi sự việc

Ông L:  Ông T và bà L có  ý kiến gì không ạ?

Ông T: Đúng là cây bàng do nhà tôi quản lý sau cơn mưa giông chiều qua có nghiêng hơn sang phía nhà ông B và khá nguy hiểm. Tuy nhiên, cây bàng  này rất mát, đã thế vợ chồng tôi còn lấy cây bàng đi bán cũng thu hoạch được 5 triệu. Hơn nữa, cây to, vợ chồng tôi lại cao tuổi không thể trèo lên chặt được mà phải thuê thợ chặt. Gia đình tôi khó khăn, lại tiếc cây bàng nên không muốn chặt.

Ông L: Qua nghe ý kiến trình bày của ông B, ông T, tôi có ý kiến thế này. Về phía ông Trọng, ông không thể vì lợi ích kinh tế của bản thân mà có thể gây nguy hiểm cho người nhà ông B. Thời tiết đang vào mùa mưa bão, nếu chẳng may có gió lớn, cây đổ làm sập nhà ông B, gây thương tích cho người trong nhà thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều so với thu nhập từ cây bàng.

Pháp luật cũng đã quy định rất rõ về vấn đề này. Đây, Điều 177 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

Thứ nhất, trường hợp cây cối  có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây,... theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây. Chi phí chặt cây do chủ sở hữu cây cối chịu.

Thứ hai, trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh... thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường.

Do đó, tôi gợi ý thế này, các ông bà xem thế nào: Ông T nên chặt cây để bảo đảm an toàn cho gia đình ông B. Tuy nhiên, do kinh tế gia đình ông T còn nhiều khó khăn, nên ông B cùng chịu một nửa chi phí thuê người chặt cây. Cây bàng còn lại, hai gia đình cùng khai thác, hưởng dụng, chia đôi, mỗi nhà một nửa. Hai gia đình thấy phương án tôi đưa ra thế nào ạ?

Ông B: Từ trước đến giờ tôi sống với làng với xóm thế nào ai đều biết cả. Bản thân tôi không muốn có điều tiếng xấu xảy ra, luôn coi trọng tình cảm hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Song vì sau trận mưa giông hôm qua, cây  nghiêng quá, như ông cũng đã nhìn thấy đấy, nguy cơ đổ gẫy xuống nhà tôi gây nguy hiểm là rất lớn, nên tôi đề nghị ông T đốn cây để bảo đảm an toàn. Nếu ông T đồng ý cho chặt cây, tôi sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê người chặt. Còn cây bàng kia, tôi đồng ý phương án hai gia đình sẽ cùng khai thác, hưởng dụng.

Ông L: Đó là ý kiến của ông Bá. Ông T  bà L có nhất trí không?

Bà L quay sang ông T gật đầu đồng ý.

Ông T: Vợ chồng tôi cũng nhất trí đồng ý đốn cây  nghiêng sang phía nhà ông Bá.

Ông L: Rất cám ơn hai gia đình đã hiểu, chia sẻ với nhau để cùng đi đến một thỏa thuận, theo tôi, như vậy là rất hợp tình, hợp lý. Vợ chồng ông T cũng đã đồng ý cho đốn cây để đảm bảo an toàn, thế nên ông B  chủ động thuê người chặt cây nhé, mùa mưa cũng bắt đầu đến rồi.

Ông B:  Vâng, cám ơn ông. Ngay chiều nay, tôi sẽ thuê người đốn cây.

Ông L: Ông bà T còn ý kiến gì khác không ạ?

Ông T, bà L: Không.

Ông L: Tôi lập biên bản hòa giải thành để làm bằng nhé, chúng ta cùng ký vào đây để thực hiện cho tiện.

Câu chuyện phải chặt cây có nguy cơ đổ ngã làm nguy hiểm
Câu chuyện phải chặt cây có nguy cơ đổ ngã làm nguy hiểm

2. Tiểu phẩm về xây tường rào lấn sang đường đi chung

Những người tham gia trong tiểu phẩm
  • Ông C Người xây tường rào lấn chiếm đường đi chung;
  • Ông T: Người có đơn đề nghị tổ hòa giải giải quyết;
  • Ông S: Tổ trưởng tổ hòa giải;
  • Bà K, ông M: Người dân đi chung ngõ xóm.

Tiểu phẩm:

Ông C xây hàng rào bằng gạch lấn sang con ngõ đi vào nhà ông T nằm ở phía bên trong. Ông T đã đề nghị ông C xây tường rào đúng ranh giới cũ, để không lấn chiếm lối đi của hàng xóm. Tuy nhiên, ông C đã không đồng ý, hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến cãi cọ.

Vì vậy, ông T đến gặp tổ trưởng Tổ hòa giải thôn để đề nghị hòa giải. Nhận được phản ánh của ông T, tổ hòa giải thôn do ông S Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn - Tổ trưởng tổ hòa giải đã đến tận nơi, xem xét quá trình xây dựng, xem bìa đỏ đất của ông C. Tổ mời hộ ông C, các hộ dân giáp ranh cùng sử dụng con ngõ này về nhà ông T để tiến hành hòa giải sự việc trên.

Ông S: Tổ hòa giải cơ sở của thôn nhận được thông tin về việc xây hàng rào của hộ ông C là chưa đúng quy định, lấn sang đường đi chung của ngõ xóm. Chúng tôi đã đến kiểm tra việc xây dựng con đường cũng như kiểm tra bìa đỏ đất của ông C. Nay tổ hòa giải đề nghị các hộ cùng ngồi lại với nhau để cho ý kiến.

Ông T: Tôi đề nghị tổ hòa giải vận động gia đình ông C tháo dỡ tường rào, xây lại đúng như cũ, bảo đảm lối đi chung của bà con láng giềng. Việc xây dựng hàng rào như vậy gây cản trở cho việc đi lại không những của gia đình tôi mà còn cho các hộ dân phía trong, nhất là khi 2 xe máy tránh nhau hoặc chở hàng hóa, vật liệu.

Bà K: Đúng thế, ông C xây dựng cái tường rào làm con đường ngõ chung bé đi hẳn khiến việc đi lại của người dân trở nên vô cùng khó khăn.  Sau này đến mùa gặt, chúng tôi có muốn thuê xe chở lúa về hay kéo cái xe cải tiến cũng khó đi vào trong được. Nhà tôi thì ở tít trong ngõ, xe không vào được lấy sức người đâu mà bốc vác?

Ông M: Hàng rào nhà ông C xây lên đúng là chiếm diện tích đường đi chung. Ngày xưa lúc ông C mới bắt đầu xây, chúng tôi cũng đã có ý kiến rồi đấy chứ. Thế mà ông vẫn xây tường như vậy là không được. Tôi đề nghị ông C phải nói rõ vấn đề này trước mọi người và Tổ hòa giải của thôn.

Ông S: Các ông bà trong xóm đều có ý kiến chung, cho rằng hộ ông Cảnh đã xây tường rào lấn vào đường đi chung. Vậy Tổ hòa giải mời ông C  trình bày ý kiến, lý do xây dựng bức tường nhà mình như thế nào mà lại gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, trong ngõ xóm?

Ông C: Đất nhà tôi sử dụng trước nay vẫn có hình cong uốn lượn ra đường, nên tôi cứ thế xây bờ tường. Còn trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hình dạng thẳng là do công chức địa chính trước đây đo không chính xác chứ không phải lỗi do tôi

Ông S: Ông nói vậy thì tôi sẽ gọi ngay cho đồng chí cán bộ địa chính của xã để xác minh về việc này.

Ngay lúc đó, Tổ trưởng tổ hòa giải S đã liên hệ với cán bộ địa chính của xã để hỏi thêm thông tin về phần đất tranh chấp này thì được biết, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tuân thủ các bản đồ có trước đây, riêng phần bìa đỏ của ông C trước đây có dạng thẳng, thì khi đo vẽ chính quy các cơ quan chức năng đã tham khảo các hộ xung quanh, có sự chứng kiến của nhiều người, thực tế chính xác vẫn là đường thẳng.

Ông S: Các ông bà cũng đã nghe rõ câu trả lời của đồng chí cán bộ địa chính xã rồi đấy. Như vậy, việc xây dựng tường rào của hộ ông C là chưa đúng trên diện tích đất nhà ông, mà đã có dấu hiệu lấn chiếm đất thuộc đường đi chung của thôn xóm.

Ông C: Nhưng tường tôi đã xây rồi, chả nhẽ lại phá đi à? Bao nhiêu công sức, tiền của chứ có phải mấy mớ rau ngoài chợ đâu mà bảo bỏ đi là phá được.

Ông T: Thế tại sao trước lúc xây, ông không nghĩ đến hậu quả sau này mà cứ làm?

Ông S: Ông C ạ, đường này là đường đi lối lại chung cho cả 7 hộ. Bức tường nhà ông xây lên khiến cho việc đi lại của các hộ bên trong ngõ xóm rất khó khăn, đôi khi là nguy hiểm, đấy là còn chưa kể ông có vi phạm lấn chiếm đường chung của cả xóm, như vậy là không được.

Trên tất cả là tình làng nghĩa xóm, các ông bà ở đây đều đã sống gần nhau mấy chục năm qua, vui buồn gì cũng hỗ trợ giúp nhau, nên tôi nghĩ, bức tường này xây lên rồi cũng có thể sửa lại, quan trọng vẫn là tình cảm xóm giềng với nhau ông ạ!

Ông C:  Tôi cũng biết thế, nhưng công xây công đập đâu phải ít đâu các ông, nếu thế mọi người phải cùng chung tay làm với nhà tôi đấy.

Ông M : Ông hiểu thế là đúng quá rồi, bức tường này chỉ cần phá phần nhô ra rồi xây lại cho thẳng là được.

Bà K: Mấy nhà chúng ta cùng làm thì nhanh không ấy mà, tôi sẽ kêu mấy thằng cháu lớn nhà tôi giúp một tay thì chả mấy mà xong.

Ông T:  Nếu thế thì, xi măng với gạch bên nhà tôi cũng còn một ít đợt xây bể nước, tôi sẽ góp cùng ông, miễn sao đường xóm lối ngõ thuận đẹp là được rồi.

Ông S: Các ông các bà xóm ta ai cũng nghĩ đẹp, sống đẹp như các ông bà đây thì còn gì bằng.

Tiểu phẩm về Xây trường rào lấn sang đường đi chung
Tiểu phẩm về xây dựng tường rào lấn sang đường đi chung

Trên đây là 02 tiểu phẩm tiêu biểu liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai, đặc biệt là tranh chấp phần đất đai giáp ranh mà Luật Ánh Ngọc muốn gửi đến khách hàng. Hy vọng với những tiểu phẩm đó, sẽ giúp khách hàng hình dung và biết cách giải quyết vấn đề mà mình gặp phải. Còn có thêm thắc mắc, vui lòng liên hệ tới đội ngũ Luật sư của chúng tôi để được tư vấn chi tiết hơn. 

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.