1. Hướng dẫn cách soạn đơn trình báo
Đơn trình báo được hiểu là văn bản được cá nhân, tổ chức sử dụng khi muốn báo với cơ quan công an về một sự việc nào đó đã được diễn ra. Mục đích chính của việc trình báo chính là cá nhân, tổ chức có dấu hiệu bị xâm phạm sẽ đưa ra yêu cầu để cơ quan công an tiến hành điều tra, xác minh và giải quyết vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ví dụ như: Đơn trình báo mất tài sản, hay về việc bị đánh hoặc bị đe dọa tính mạng,…
Việc trình báo có thể thực hiện bằng đơn hoặc công dân có thể trực tiếp đến cơ quan công an gần nhất để trình báo về sự việc đã diễn ra.
Đơn trình báo phải có các thông tin chủ yếu như sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Họ tên, địa chỉ của người làm đơn, cách thức liên hệ với người làm đơn;
- Đối tượng trình báo: trình bày rõ sự việc đã diễn ra xâm phạm đến lợi ích của người làm đơn hoặc của người khác như thế nào (xâm phạm về sức khỏe, tính mạng, tinh thần,…);
- Nội dung yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết;
- Các chứng cứ, tài liệu kèm theo (nếu có);
- Lời cam đoan của người làm đơn;
- Người làm đơn phải ký tên hoặc điểm chỉ vào cuối đơn.
1.1. Mẫu đơn trình báo
1.2. Hướng dẫn ghi nội dung
(1) Ghi sơ lược về nội dung cần trình báo (Ví dụ: Trình báo về việc mất tài sản/về việc bị đe dọa đến tính mạng).
(2) Ghi tên cơ quan Công an quận/huyện/xã/ phường nơi xảy ra sự việc/hành vi vi phạm pháp luật.
(3) Ghi rõ họ và tên của người làm đơn.
(4) Ghi số CCCD/CMND, trường hợp không có CCCD/CMND thì ghi thông tin theo Giấy tờ tùy thân.
(5) Ghi địa chỉ thường trú theo địa chỉ trong Căn cước công dân/CMND, nếu không có CCCD/CMND thì ghi thông tin theo Giấy tờ tùy thân.
(6) Ghi địa chỉ liên hệ là địa chỉ thường trú hoặc một địa chỉ cụ thể khác (nếu người trình báo đang sinh sống ở một nơi khác) để cơ quan công an có thể liên hệ khi cần thiết (gửi thư mời, gửi văn bản, giấy tờ,…).
(7) Trình bày rõ ràng thông tin của đối tượng mà mình muốn trình báo ví dụ như họ tên, địa chỉ (nếu có/nếu biết). Ghi rõ ràng mọi diễn biến của vụ việc, miêu tả chi tiết hành vi vi phạm và ghi rõ các mốc thời gian liên quan.
Ví dụ: Trình báo mất tài sản: ghi rõ tài sản bị mất là gì, thời gian bị mất (nếu xác định được), những tình tiết khác cho rằng có liên quan đến vụ việc…
(8) Chuẩn bị những chứng cứ kèm theo mà người trình báo có được như hình ảnh, video, file ghi âm, văn bản, giấy tờ,…để chứng minh cho việc trình báo là có căn cứ.
(9) Về địa danh và ngày làm đơn: Ghi rõ nơi làm đơn trình báo và ghi rõ ngày thàng năm làm đơn trình báo.
(10) Về phần ký tên và điểm chỉ: Nếu người trình báo là cá nhân thì phải ký tên hoặc điểm chỉ và ghi rõ họ tên của người trình báo đó; nếu là cơ quan, tổ chức trình báo thì người đại điện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức trình báo ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó, trường hợp doanh nghiệp trình báo thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
>>>Tải về: Đơn trình báo
2. Hướng dẫn cách soạn đơn tố cáo
Đơn tố cáo là văn bản mà người tố cáo trình bày với cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về nội dung tố cáo. Trung thực về nội dung tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.
Nội dung của đơn tố cáo:
- Ngày, tháng, năm tố cáo;
- Họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo;
- Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan, đơn tố cáo không có ký tên điểm chỉ của người tố cáo.
2.1. Mẫu đơn tố cáo
2.2. Hướng dẫn ghi nội dung
(1) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo;
(2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) Thông tin cá nhân của người làm đơn tố cáo;
(10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) Thông tin cá nhân của người bị tố cáo
(17) Tên của hành vi (Ví dụ: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…)
(18) Nội dung cụ thể sự việc, hành vi vi phạm; xâm phạm quyền và lợi ích gì; căn cứ pháp lý xác định hành vi; chứng minh thiệt hại xảy ra: giá trị tài sản bị xâm hại...
Có thể gửi kèm những bằng chứng xác thực để chứng minh hành vi vi phạm và thiệt hại gây ra để tăng sức thuyết phục của Đơn tố cáo.
Người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ vào cuối đơn.
>>>Tải về: Đơn tố cáo
3. Gửi đơn trình báo, tố cáo ở đâu?
Theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
- Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Theo Thông tư liên tịch 01/2017 quy định các cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm gồm:
- Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an;
- Tòa án các cấp;
- Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
4. Tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Căn cứ Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2017 quy định tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
- Cơ quan điều tra phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ, Viện kiểm sát các cấp phải tổ chức trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (kể cả tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng);
Phân loại và chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Địa điểm tiếp nhận phải đặt ở nơi thuận tiện, có biển ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi để mọi người biết.
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải bố trí cán bộ trực để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Các cơ quan, tổ chức khác khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì phải phân công người tiếp nhận.
- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Ánh Ngọc.