1. Nam, nữ sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không?
Việc kết hôn là do hai bên tự nguyện, pháp luật không có quy định sống chung phải đăng ký kết hôn.
Để xác định việc nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không, cần xác định vấn đề này theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình và theo Thông tư liên tịch số 01/2001 như sau:
- Đối với trường hợp nam và nữ mặc dù không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn nhưng lại sống chung với nhau như vợ chồng từ thời điểm trước 03/01/1987, quan hệ của họ vẫn được pháp luật thừa nhận là vợ chồng ngay từ thời điểm họ chung sống với nhau. Do đó, nếu hai bên không chung sống với nhau nữa và có yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ tiến hành thụ lý và giải quyết theo quy định.
- Nếu như nam và nữ có mối quan hệ sống chung với nhau từ 03/01/1987 đến trước 01/01/2001, theo quy định họ có thời gian 02 năm (từ 01/01/2001 - 01/01/2003) để đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Nếu như sau thời gian này họ không thực hiện việc đăng ký kết hôn thì mối quan hệ của họ sẽ không được pháp luật thừa nhận là quan hệ vợ chồng hợp pháp.
- Riêng đối với những trường hợp quan hệ sống chung như vợ chồng của nam nữ bắt đầu từ thời điểm ngày 01/01/2001 đến nay mà không có đăng ký kết hôn thì đều không được pháp luật công nhận.
Nếu như cả hai người đáp ứng được điều kiện kết hôn, không thuộc trường hợp cấm kết hôn quy định pháp luật mà sống chung với nhau thì không bị coi là vi phạm pháp luật và không bị xử phạt. Khi thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
2. Xử lý vấn đề con chung nhưng không đăng ký kết hôn
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Tuy nhiên, nếu có con chung thì pháp luật vẫn thừa nhận và bảo vệ.
Luật cũng quy định con ngoài hôn nhân hay con trong thời kỳ hôn nhân đều được đối xử công bằng. Do đó đối với trường hợp có con chung nhưng không đăng ký kết hôn cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến các quyền cũng như trách nhiệm của cha mẹ đối với con.
2.1. Giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con chung
Trường hợp sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì hôn nhân của họ không được pháp luật công nhận, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Nếu có tranh chấp về nuôi con chung thì vẫn được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình.
Theo khoản 2, điều 84 Luật Hôn nhân gia đình, vợ chồng có thể tự thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi chấm dứt việc sống chung (như nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dạy, quyền được thăm con) đối với con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Nếu hai bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải hỏi nguyện vọng của con muốn sống với ai; con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện hoặc có thỏa thuận khác giữa cha mẹ phù hợp với lợi ích của con hơn.
2.2. Trường hợp không tự nguyện cấp dưỡng cho con chung
Trường hợp Tòa án đã tuyên buộc người cha hoặc mẹ phải cấp dưỡng cho con, mà người có nghĩa vụ đó không tự nguyện thực hiện, thì người trực tiếp nuôi con nên nộp đơn yêu cầu thi hành án tại Chi cục thi hành án nơi Tòa án đã xét xử việc cấp dưỡng.
Khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án, nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng đủ điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành, thì cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành án đối với người không trực tiếp nuôi con, bằng cách trừ vào tiền lương, tiền công của họ hoặc khấu trừ tiền trong tài khoản ngân hàng của họ…
Nếu người phải cấp dưỡng do cố tình trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng dẫn đến ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại đến người con, thì tùy theo mức độ nghiêm trọng mà người phải cấp dưỡng có thể bị xử phạt hành chính hoặc sẽ bị truy cứu hình sự, theo đó:
- Mức phạt vi phạm hành chính là từ 5 đến 10 triệu đồng.
- Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng nhưng vẫn từ chối, trốn tránh cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên đến 02 năm.
3. Tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của người chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hơp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết như sau:
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Vậy là, với việc sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không vi phạm pháp luật, Nhà nước cũng không buộc phải đi đăng ký kết hôn mà khuyến khích hai người đi đăng ký kết hôn. Vì vậy, Công ty Luật Ánh Ngọc tư vấn trường hợp này nên đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký kết hôn, khi kết hôn là hợp pháp các bên sẽ được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích của mình trong hôn nhân đồng thời trường hợp xảy ra tranh chấp có cơ sở để giải quyết theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Xem thêm>>: Con sinh ra sau khi ly hôn là con chung của vợ chồng khi nào