Đánh người khác không gây thương tích có bị phạt không?


Đánh người khác không gây thương tích có bị phạt không?

Đối với tội đánh người không gây thương tích, tùy theo mức độ gây tổn hại đến sức khỏe của người bị hại thì mức xử phạt có thể lên đến 8.000.000 đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc là bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Hãy cùng Luật Ánh Ngọc tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về mức phạt cụ thể!

1. Tội đánh người khác không gây thương tích có bị phạt không?

Trước hết, đánh người không gây thương tích được hiểu là trường hợp có hành vi tác động trái phép đến thân thể người khác với tỷ lệ thương tích là 0%, tức là không gây ra tỷ lệ thương tích. Vậy trường hợp đánh người không gây thương tích thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị xử phạt hành chính?

Đánh người khác không gây thương tích có bị phạt không?
Đánh người khác không gây thương tích có bị phạt không?

1.1. Hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội đánh người khác không gây thương tích

Theo quy định Bộ luật Hình sự quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:

- Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

- Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

- Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

- Có tổ chức. Là trường hợp có từ 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, có sự cấu kết chặt chẽ và phân công giữa những người cùng thực hiện tội phạm với nhau;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tức là, người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không phải trong lúc đang thi hành công vụ;

- Đang trong thời gian chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù mà thực hiện đánh người khác gây thương tích.

- Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê. Ở trường này gồm có 2 hành vi sau:

  • Thứ nhất, trường hợp 1 người trả cho người khác 1 khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác để họ gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người mà mình muốn gây thương tích;
  • Thứ hai, trường hợp người trực tiếp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác vì nhận được lợi ích nào đó chính là người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê. Do vậy, người thuê và người được thuê đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

- Có tính chất côn đồ. Tức là, người phạm tội có thái độ coi thường pháp luật (chống đối người thi hành công vụ, biết hành vi của mình là sai trái pháp luật nhưng vẫn làm,...) hành động hung hăng, ngang tàn, bất chấp sự ngăn cản từ người khác, cố tình gây sự để phạm tội;

- Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Như vậy, trường hợp đánh người khác không gây thương tích (thương tích 0%) vẫn thuộc trường hợp dưới 11% theo quy định của Bộ luật Hình sự nên người nào có hành vi đánh người khác không gây thương tích vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

1.2. Phạt hành chính và bồi thường thiệt hại đối với tội đánh người khác không gây thương tích

Với trường hợp người có hành vi đánh người nhưng hậu quả thương tích, tổn hại sức khỏe của nạn nhân dưới 11% (bao gồm trường hợp không gây thương tích) không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 (khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS 2017) thì sẽ không cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật (có thể phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng).

Ngoài ra bên cạnh việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính thì đối với tội đánh người không gây thương tích thì có thể phải bồi thường cho người bị hại theo thực tế bị ảnh hưởng bởi hành vi đánh người gây ra. 

Xem thêm bài viết tại: Cách thức xử lý và thủ tục khởi kiện đánh người gây thương tích

2. Câu hỏi thường gặp

2.1. Người được thuê đòi nợ mà đánh con nợ không gây thương tích thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Giải đáp:

Theo đội ngũ luật sư tại Luật Ánh Ngọc thì người được thuê đòi nợ đánh con nợ mà không gây thương tích sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Vì theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi khoản 22 Điều 1 BLHS 2017) "thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê" dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nghĩa là, trường hợp không gây thương tích (tức là thương tích 0%) vẫn thuộc trường hợp dưới 11% theo quy định của luật nên người được thuê đòi nợ đánh con nợ đòi tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp người thuê và người được thuê đi đòi nợ có thỏa thuận về việc đòi nợ phải sử dụng bạo lực để đòi nợ thì người thuê có thể bị khởi tố hình sự với vai trò đồng phạm là người tổ chức.

Điều 17 BLHS 2015 về đồng phạm
Điều 17 BLHS 2015 về đồng phạm

2.2. Hành vi đánh hội đồng người khác bị xử phạt như thế nào?

Dẫn chứng thực tế tình huống: Tình trạng bạo lực học đường không còn là vấn đề xa lạ nữa, khi mà chỉ với 1 mâu thuẫn nhỏ mà các bạn học sinh hẹn gặp nhau ra cổng trường, khu đất trống để giải quyết mâu thuẫn. Nhiều nữ sinh, nam sinh lao vào đánh hội đồng 1 bạn với những hành vi giật tóc, đấm đá vào người, mặt, bụng...những nữ sinh, nam sinh tham gia vào đánh đập bạn luôn miệng chửi rủa, nói những câu tục tĩu, thiếu văn hóa.

Hành vi đánh hội đồng bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật
Hành vi đánh hội đồng bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật

Giải đáp:

Theo đó, nhóm học sinh có hành vi đánh hội đồng trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác khi gây thương tích trên 11% hoặc trường hợp không gây thương tích nhưng thuộc trường hợp luật định như có tính chất côn đồ, dùng vũ khí nguy hiểm, gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi, phạm tội có tổ chức,...thì bị xử lý hình sự với hành vi cố ý gây thương tích.

Tuy nhiên, cần lưu ý về độ tuổi của người phạm tội nếu trường hợp nhóm học sinh trên chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đó là dưới 14 tuổi hoặc từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nhưng chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng khi thuộc 1 trong các tội mà luật quy định tại Điều 12 BLHS mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Khi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhóm học sinh trên có thể bị xử lý kỷ luật theo nội quy, quy chế tại trường học. Trong trường hợp, nhà trường và gia đình không thể giáo dục được nữa thì nhóm học sinh trên có thể bị áp dụng biện pháp cho vào trại giáo dưỡng.

Xem thêm bài viết tại đây: Chuẩn bị hung khí đánh nhau nhưng chưa thực hiện có bị xử lý hình sự?

Trên đây là phân tích của Luật Ánh Ngọc về "Đánh người khác không gây thương tích có bị phạt không?" Quý độc giả có thắc mắc nào về bài viết trên hãy liên hệ tới chúng tôi để nhận hỗ trợ nhé!

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.