Quy định tiền chất công nghiệp là gì? Luật Ánh Ngọc chia sẻ [2024]


Quy định tiền chất công nghiệp là gì? Luật Ánh Ngọc chia sẻ [2024]

Tiền chất công nghiệp là các hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu, dung môi, chất xúc tiến trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm, ... , được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành. Để hiểu rõ thêm thông tin về vấn đề này, Luật Ánh Ngọc xin gửi một số thông tin dưới bài viết này. 

1. Tiền chất công nghiệp là gì?

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, tiền chất công nghiệp là các hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu, dung môi, chất xúc tiến trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm, đồng thời là các hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành.

Mặc khác, theo phụ lục 1 kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP, danh mục tiền chất công nghiệp được phân theo mức độ nguy hiểm để quản lý, kiểm soát cho phù hợp, gồm tiền chất công nghiệp Nhóm 1 và tiền chất công nghiệp Nhóm 2:

  • Tiền chất công nghiệp Nhóm 1 gồm các hóa chất thiết yếu được sử dụng trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy;
  • Tiền chất công nghiệp Nhóm 2 gồm các hóa chất được sử dụng làm chất phản ứng hoặc làm dung môi trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy.

Tóm lại, tiền chất công nghiệp là các hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu, dung môi, chất xúc tiến trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm, đồng thời là các hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành.

2. Điều kiện để kinh doanh tiền chất công nghiệp

Căn cứ khoản 2 Điều 03 Nghị định 113/2017 có quy định là khi kinh doanh hóa chất bao gồm hoạt động buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất để cung ứng hóa chất trên thị trường nhằm mục đích sinh lời. 

Theo như quy định pháp luật nêu trên, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp thuộc hoạt động kinh doanh hóa chất. Do vậy, để kinh doanh tiền chất công nghiệp thì cần tuân thủ một số điều kiện sau: 

  • Tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền chất công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất, sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp;
  • Phải có đầy đủ hóa đơn mua bán, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc nhà cung cấp các loại tiền chất công nghiệp;
  • Phải lập sổ theo dõi riêng tiền chất công nghiệp. Sổ theo dõi bao gồm các thông tin: Tên đầy đủ, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại, số fax; tên tiền chất công nghiệp, số lượng mua, bán, tồn kho; mục đích sử dụng của tổ chức, cá nhân mua tiền chất công nghiệp.

3. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp

3.1. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp là gì?

Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp một chứng thư pháp lý được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiến hành cấp cho tổ chức/ cá nhân đủ điều kiện để thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

3.2. Thời hạn của Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu 

Tùy thuộc vào nhóm tiền chất công nghiệp, pháp luật có những quy định riêng về thời hạn của giấy phép, cụ thể:

  • Đối với tiền chất công nghiệp Nhóm 1: Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu được cấp cho từng lô xuất khẩu, nhập khẩu và có thời hạn trong vòng 6 tháng kể từ ngày cấp.
  • Đối với tiền chất công nghiệp Nhóm 2: Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu có thời hạn trong vòng 6 tháng kể từ ngày cấp.

4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp

Theo quy định của pháp luật, hồ sơ bao gồm các loại Giấy tờ sau:

  1. Văn bản đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp (Mẫu 02a, phụ lục VI ban hành kèm Nghị định 82/2022/NĐ-CP);
  2. Bản sao giấy tờ về việc đăng ký thành lập đối với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu lần đầu;
  3. Bản sao hợp đồng hoặc một trong các tài liệu: Thỏa thuận mua bán, đơn đặt hàng, bản ghi nhớ, hóa đơn ghi rõ tên, số lượng tiền chất công nghiệp;
  4. Báo cáo về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và sử dụng tiền chất công nghiệp của Giấy phép đã được cấp gần nhất đối với tiền chất công nghiệp Nhóm 1.

5. 02 bước cần thực hiện để xin cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp

Khi cá nhân (tổ chức) có nhu cầu xin cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp thì cần thực hiện 02 bước sau: 

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

  • Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp lập 01 bộ hồ sơ như trên;
  • Cá nhân/ tổ chức tiến hành nộp hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó có 02 hình thức nộp hồ sơ, đó là: 
    • Tiến hành gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp;
    • Nộp hồ sơ online: nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) là cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp trên hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ 

Bước 2: Kiểm tra, thẩm định nội dung hồ sơ và Cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp cho cá nhân, tổ chức đề nghị

Sau khi tiếp nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét tính hợp lệ của hồ sơ.

  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ: trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp phép thông báo để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không được tính vào thời gian cấp phép quy định tại điểm c khoản này;
  • Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép kiểm tra hồ sơ và cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp;
  • Trường hợp không cấp Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

6. Gia hạn giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp 

6.1. Trường hợp nào được gia hạn giấy phép?

  • Giấy phép được gia hạn trong trường hợp hết thời hạn ghi trong Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, nhưng việc xuất khẩu, nhập khẩu chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa xong;
  • Giấy phép chỉ được gia hạn một lần.

6.2. Hồ sơ, thủ tục gia hạn Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ

  • Trước khi Giấy phép hết hạn tối thiểu 05 ngày làm việc, tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn Giấy phép phải lập 01 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép gửi cơ quan cấp phép.
  • Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép bao gồm:
    • Văn bản đề nghị gia hạn Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp;
    • Bản sao Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp đã được cấp.
  • Hình thức nộp hồ sơ: Nộp qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Bước 2: Kiểm tra và thực hiện gia hạn Giấy phép

  • Cơ quan cấp phép kiểm tra, gia hạn Giấy phép cho tổ chức, cá nhân.
  • Trường hợp không gia hạn Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;
  • Thời hạn làm việc: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu được gia hạn không quá 06 tháng kể từ ngày cấp phép gia hạn.

Qua đó, với những thông tin đã được cung cấp, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, nếu Quý khách hàng gặp khó khăn, cần hỗ trợ thực hiện vui lòng liên hệ tới Luật Ánh Ngọc để được giải đáp. 

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.