Quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng trái phép vũ khí thô sơ


Quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng trái phép vũ khí thô sơ
Vũ khí thô sơ là vật liệu được chế tạo đơn giản, thủ công hoặc công nghiệp có tính sát thương. Vậy vũ khí thô sơ gồm những gì, trường hợp nào được sử dụng, mức xử phạt khi sử dụng không đúng pháp luật. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để được giải đáp.

1. Vũ khí thô sơ là gì?

Vũ khí thô sơ là những thiết bị, phương tiện có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất như các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ.

2. Ba trường hợp được sử dụng vũ khí thô sơ

Pháp luật hiện hành quy định một số trường hợp được sử dụng vũ khí thô sơ như sau:

  • Sử dụng vũ khí thô sơ nhằm ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác;
  • Sử dụng vũ khí thô sơ với mục đích phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết;
    • Phòng vệ chính đáng là việc sử dụng vũ khí thô sơ vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, Nhà nước để chống trả lại người đang thực hiện hành vi xâm phạm các quyền và lợi ích trên một cách cần thiết;
    • Sử dụng vũ khí thô sơ trong tình thế cấp thiết là việc sử dụng vũ khí trong các trường hợp muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức cũng như quyền lợi, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác mà không còn cách nào khác ngoài việc phải sử dụng vũ khí thô sơ, gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
  • Người thi hành nhiệm vụ độc lập được sử dụng vũ khí thô sơ để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong các trường hợp sau đây:
    • Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ;
    • Đối với người đang bị truy nã, bị bắt, bị giữ trong các trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam; người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù có hành vi chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người khác;
    • Biết rõ đối tượng đang thực hiện hành phạm tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng
    • Dừng phương tiện giao thông mà đối tượng điều khiển tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người khác hoặc đối tượng phạm tội sử dụng để chạy trốn;
    • Dừng các phương tiện chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình trốn chạy trừ trường hợp trên xe có con tin hoặc chở người khác.

Tuy nhiên, trước khi sử dụng vũ khí thô sơ trong các trường hợp trên, người thi hành nhiệm vụ phải cảnh báo bằng mệnh lệnh, lời nói, hành động hoặc bắn chỉ thiên cho đối tượng được biết.

3. Mười đối tượng được sử dụng vũ khí thô sơ

Căn cứ Điều 28 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2020, mười cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí thô sơ gồm:

  • Quân đội nhân dân;
  • Dân quân tự vệ;
  • Cảnh sát biển;
  • Công an nhân dân;
  • Cơ yếu;
  • Kiểm lâm, Kiểm ngư;
  • An ninh hàng không;
  • Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;
  • Câu lạc bộ, cơ sở đạo tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;
  • Trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh.

4. Sử dụng trái phép vũ khí thô sơ bị phạt bao nhiêu tiền?

  • Trường hợp người sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
  • Trường hợp người có hành vi gây rối trật tự công cộng mà mang, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng
  • Trường hợp người sử dụng trái phép vũ khí thô sơ hoặc sử dụng các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí thô sơ thì người đó bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

5. Sử dụng trái phép vũ khí thô sơ có bị đi tù không?

Trong một số trường hợp, người sử dụng trái phép vũ khí thô sơ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng trái phép vũ khí thô sơ trong nhóm tội “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ” theo Điều 306 Bộ luật Hình sự. 

Cần lưu ý trường hợp người được giao sử dụng vũ khí thô sơ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại nếu người đó tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp người đó sử dụng vũ khí vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết hoặc lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng vũ khí thô sơ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào thiệt hại của hành vi vượt quá.

Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi sử dụng trái phép vũ khí thô sơ mà người phạm tội bị áp dụng các hình phạt với mức phạt khác nhau:

5.1. Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm

Trường hợp người sử dụng trái phép vũ khí thô sơ hoặc vũ khí khác có tính năng,  tác dụng tương tự như vũ khí thô sơ nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chế tạo vũ khí thô sơ, tàng trữ vũ khí thô sơ, vận chuyển vũ khí thô sơ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc đã bị kết án về một trong các tội trong nhóm tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc côn cụ hỗ trợ”, chưa được xóa án tích mà còn tiếp tục vi phạm.

5.2. Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Người phạm tội sử dụng trái phép vũ khí thô sơ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
Các trường hợp sử dụng vũ khí thô sơ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Trường hợp người phạm tội sử dụng trái phép vũ khí thô sơ mà thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì bị áp dụng hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  • Sử dụng trái phép vũ khí thô sơ có tổ chức là trường hợp nhiều người cố ý cùng nhau bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau để cùng thực hiện việc sử dụng trái phép vũ khí thô sơ theo sự phân công của người tổ chức, người chủ mưu, cầm đầu;
  • Sử dụng trái phép vũ khí thô sơ với số lượng lớn từ 11 đến 100 đơn vị;
  • Sử dụng trái phép vũ khí thô sơ để vận chuyển, mua bán qua biên giới;
  • Sử dụng trái phép vũ khí thô sơ gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  • Người sử dụng vũ khí thô sơ trái phép làm chết 01 người
  • Sử dụng trái phép vũ khí thô sơ gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
  • Người phạm tội tái phạm nguy hiểm;

5.3. Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm

Trường hợp người phạm tội sử dụng trái phép vũ khí thô sơ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn (số lượng từ 101 đơn vị vũ khí thô sơ hoặc các vũ khí có tính năng, công dụng tương tự vũ khí thô sơ trở lên) hoặc làm 02 người chết, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 02 người khác trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản của người khác từ 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Ngoài các hình phạt chính nêu trên, người sử dụng trái phép vũ khí thô sơ còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là giải đáp của Luật Ánh Ngọc về câu hỏi "Vũ khí thô sơ là gì". Có thể thấy vũ khí thô sơ là vật dụng có tính sát thương được chế tác, tạo ra đơn giản theo hình thức thủ công hoặc công nghiệp. Chỉ một số đối tượng và các trường hợp được sử dụng vũ khí thô sơ. Các trường hợp sử dụng không đúng đối tượng, không đúng mục đích đều bị coi là sử dụng trái phép vũ khí thô sơ và có thể phải chịu mức án cao nhất là 7 năm tù.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.