Giải quyết tranh chấp đất đai - Sự quan trọng của Luật sư (Phần 2)


Giải quyết tranh chấp đất đai - Sự quan trọng của Luật sư (Phần 2)
Hiện nay, đất đai ngày càng có giá trị, những mảnh đất ở vị trí đẹp có thể bán với giá cao ngất ngưởng, vì vậy những tranh chấp về đất đai xảy ra ngày càng nhiều, có những tranh chấp chỉ với không đến 1 mét đất. Giải quyết những vụ án về đất đai mất rất nhiều thời gian, vì nó liên quan đến nhiều vấn đề khác nên cần phải xem xét, thu thập đầy đủ giấy tờ liên quan thì mới có thể giải quyết đúng đắn vụ án được. Và để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ một cách tối đa nhất thì thuê Luật sư có tâm, uy tín là rất quan trọng.

1. Kháng cáo bản án sơ thẩm tranh chấp đất đai

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, nhận thấy Tòa án còn thiếu sót trong việc xem xét các chứng cứ, tình tiết liên quan đến vụ án dẫn đến việc giải quyết chưa đúng, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn là bà Huỳnh Thị Minh Trâm.

Sau đó, bà Trâm khi nhận được kết quả của bản án thì thấy không hợp lý, đồng thời Luật sư cũng tư vấn để bà làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Long Thành.

 

Luật sư tư vấn kháng cáo phúc thẩm
Thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan để giải quyết vụ án

 

Đầu tiên, Luật sư giải thích rõ cho bà Trâm về việc kháng cáo là như nào, khi nào mình có thể kháng cáo và thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm. Theo đó, kháng cáo là một thủ tục được tiến hành sau khi kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm mà bản án chưa có hiệu lực thi hành, trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tuyên án nếu không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm thì các bên có quyền nộp đơn kháng cáo để yêu cầu xét xử phúc thẩm bán án đó. Vậy có thể thấy kháng cáo là một quyền của đương sự, và sẽ được thực hiện khi các bên không đồng ý với phán quyết của Tòa án mà trước khi bản án có hiệu lực các bên sẽ được quyền yêu cầu xem xét, xét xử lại bản án đó. Vậy, bản án này được ban hành ngày 25/8/2023, vậy thời hạn để kháng cáo là 15 ngày, tức chậm nhất là ngày 08/9/2023 là thời hạn mà bà Trâm còn được kháng cáo. Nếu quá thời hạn này mà không có lý do chính đáng thì sẽ mất quyền này, có thể bị đơn sẽ phải thi hành bản án hoặc vẫn có biện pháp khác xong thủ tục sẽ phức tạp và mất thời gian hơn.

Để thực hiện quyền này các bên phải có đơn kháng cáo, trong đó ghi các nội dung chủ yếu gồm: ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; tên, địa chỉ, số điện thoại của bà Trâm; nội dung kháng cáo là kháng cáo toàn bộ hay một phần của bản án (theo như nội dung bản án thì sẽ kháng cáo một phần – phần Tòa án quyết định buộc bà Trâm phải trả lại phần đất tranh chấp cho bà Hoa, ông Dương); lý do của việc kháng cáo (không đồng ý với nội dung trên vì đây là phần đất dành cho lối đi chung theo khoản 2, 3 Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015). Cuối cùng là chữ ký hoặc điểm chỉ của bà Trâm. Về nội dung cơ bản là như vậy và Luật sư cũng đã hướng dẫn bà viết 01 lá đơn chi tiết và nộp đến Tòa án nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Ngày 28/9/2023, bà Trâm đã nộp đơn kháng cáo, trong khi chờ Tòa án phúc thẩm thụ lý vụ án, Luật sư cùng bà Trâm cũng đã đi thu thập thêm những căn cứ, tài liệu khác để củng cố cho nội dung kháng cáo của mình, chụp hình ảnh chứng minh hiện trạng lối đi chung của hai thửa đất có tranh chấp.

Ngày 18/9/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngày mở phiên tòa là ngày 29/9/2023.

2. Quyết định của bản án phúc thẩm

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm này, Tòa án phúc thẩm đã triệu tập thêm những người liên quan như bà Sương, ông Việt, bà Hồng để làm rõ về thỏa thuận đất cho lối đi chung. Tòa án cấp phúc thẩm cũng đã xác minh thu thập chứng cứ bổ sung chứng minh diện tích đất đang tranh chấp là lối đi chung. Viện kiểm sát tham gia phiên tòa cũng đưa ra ý kiến là thủ tục kháng cáo được thực hiện trong đúng thời hạn, nộp đầy đủ tạm ứng án phí phúc thẩm, kháng cáo đúng thẩm quyền. Về nội dung kháng cáo thì Viện kiểm sát nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật thiêys, thu thập chứng cứ không đầy đủ nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận kháng cáo của bà Trâm.

Tại đây, bên nguyên đơn vẫn giữ nguyên ý kiến của mình, không thay đổi gì thêm.

Tại phiên tòa, Luật sư của bị đơn cũng đã cung cấp cho Hội đồng xét xử hình ảnh thể hiện phần diện tích lối đi chung đang tranh chấp là lối đi của nhà bị đơn, có một bàn thiên tồn tại nhiều năm trước đó, cung cấp giấy thỏa thuận các chủ đất trước về lối đi chung qua mặt tiền của nhà bà Trâm có chiều ngang 03 m cho hai thửa đất mà đang có tranh chấp. Ông Việt cũng trình bày được nhờ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai thừa đất số 139 và 140, hai thửa này có nguồn gốc từ thửa đất số 32, tờ bản đồ số 26 xã Thân Tâm, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có diện tích là 457,4 m2 (Là đất của vợ chồng ông Hải, bà Sương), trên đất có 03 căn nhà và gia đình bà Sương tự dành phần đất khoảng 03 ngang làm lối đi chung của 03 căn nhà tự chia đất cho các con trong gia đình và xây nhà ở. Hai ông bà là ông Phương, bà Phương cũng trình bày nguồn gốc thửa đất số 32, tờ bản đồ số 26 này có diện tích là 457,4m2 đã được UBND huyện Long Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 28/7/2009. Do phần đất không tách thửa được nên khi hai ông bà chua đất cho vợ chồng bị đơn bà Trâm thì đất này để tên ông Lương Tuấn Phương (con trai bà Sương). Thời gian sau thì phần đất của ông Phương và bà Sương chuyển nhượng cho người khác, khi chuyển nhượng thì đều thống nhất phần đất của ông Phương và căn nhà của bà Sương đi ngang qua nhà bị đơn có chiều ngang 03m, vì vậy, các bên thỏa thuận là khi ông Phương, bà Sương bán cho bà Hoa thì bà Hoa phải có trách nhiệm tách phần đất này để bà Trâm đứng tên, phần đường đi chung là 03m x 07m. Sau khi nhờ người làm giấy tờ, gia đình ông Phương, bà Sương và bà Trâm đều không biết việc tách thửa đã nhập diện tích lối đi chung vào phần đất chuyển nhượng cho bà Hồng. Vì vậy đề nghị Tòa án phúc thẩm xem xét lối đi chung có từ chủ đất cũ phân chia đất cho các con, do có chuyển nhượng cho người khác và việc làm giấy tờ có sự nhầm lẫn nên xảy ra tranh chấp.

 

Tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa phúc thẩm
Tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa phúc thẩm

 

Theo tài liệu chứng cứ thu thập được tại phiên tòa phúc thẩm thì lời trình bày của phía bị đơn và ông Phương cùng bà Sương đúng về hiện trạng lối đi chung của hai thửa đất, đúng về tình trạng thửa đất số 32 trước đây không thể tách từng thửa khi gia đình chia đất cho con, cho đến khi bên ông Phương và bà Sương chuyển nhượng đất cho người khác thì cuối cùng bà Trương Thị Hồng là người nhận chuyển nhượng sau tách được thửa và làm thủ tục tách phần đất cho gia đình bà Trâm đúng như đã thỏa thuận, tuy nhiên riêng phần đất là lối đi chung ngang qua mặt tiền nhà bị đơn thì được nhập vào thửa 139 sau đó bà Hồng chuyển nhượng lại cho nguyên đơn và giữa nguyên đơn với bị đơn xảy ra tranh chấp.

Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định rằng Tòa án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, giải quyết chưa phù hợp với thực tế lối đi chung của các thửa đất có tồn tại trước khi tách thửa và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên cần sửa bản án sơ thẩm do lỗi chủ quan và xác định lối đi chung của hai thửa đất 139 và 140 theo kết quả đo đạc tại Bản đồ hiện trạng thửa đất số 6205/2022 ngày 30 tháng 5 năm 2022 của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh Long Thành thì phần diện tích đất tranh chấp là 29,2m 2 (được giới hạn bởi các mốc 1, 2, 3, 4, 1). Tại phần diện tích đất tranh chấp được xác định là lối đi chung của hai thửa đất 139 và 140, bà Trâm đã dựng 01 mái hiên, 01 cánh cửa ra vào, 01 trụ bàn thờ ngoài trời và trồng 01 cây ổi, 01 cây mãng cầu. Vì vậy cần buộc bà Trâm phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng và cây trồng, trả lại hiện trạng lối đi chung của hai thửa đất 139 và 140. Do đó, kháng cáo của bị đơn cho rằng đây là lối đi chung là có cơ sở, cần chấp nhận kháng cáo sửa bản án sơ thẩm.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định, chấp nhận kháng cáo của bị đơn là bà Huỳnh Thị Minh Trâm, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 69/2022/DS-ST ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Long Thành. Tuyên xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lương Văn Dương, bà Trần Thị Hoa.

Xác định diện tích đất 29,2m 2 được giới hạn bởi các mốc 1, 2, 3, 4, 1 theo Bản đồ hiện trạng thửa đất số 6205/2022 ngày 30 tháng 5 năm 2022 của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai – Chi nhánh Long Thành là lối đi chung của hai thửa đất 139 và 140 tờ bản đồ 26 tọa lạc xã Thân Tâm, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Buộc bà Trâm phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng là: 01 mái hiên, 01 cánh cửa ra vào, 01 trụ bàn thờ ngoài trời, 01 cây ổi và 01 cây mãng cầu nằm trên diện tích đất 29,2m 2 là lối đi chung của hai thửa đất 139 và 140 tờ bản đồ 26, xã Thân Tâm, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai được giới hạn bởi các mốc (1, 2, 3, 4, 1) theo Bản đồ hiện trạng thửa đất số 6205/2022 ngày 30 tháng 5 năm 2022 của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai – Chi nhánh Long Thành và Chứng thư thẩm định giá số 2475/CT-ĐN1 ngày 27 tháng 7 năm 2022 của Công ty cổ phần thẩm định giá Đồng Nai. Các đương sự có nghĩa vụ liên hệ cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lại phần diện tích đất lối đi chung (được giới hạn bởi các mốc 1, 2, 3, 4, 1) trong thửa đất số 139, tờ bản đồ 26, xã Thân Tâm, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã được Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào ngày 26/11/2020 (số CY 253527, số vào sổ cấp GCN: CS 11180) cho ông Lương Văn Dương. 

 

Kết luận của Hội đồng xét xử
Kết luận của Hội đồng xét xử

 

Có thể thấy, kết quả cuối cùng này là hợp lý nhất, đúng như Luật sư đã tư vấn cho bà Trâm ngay từ ban đầu, vì nguồn gốc đất đang có tranh chấp là đất dành cho lối đi chung nên cũng không thể nhập vào phần của bà Trâm, cũng không thể nhập hết vào của bà Hoa, ông Dương mà phần này hai bên phải thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án phân chia lại diện tích đất lối đi chung này. Đồng thời, việc bà Trâm xây dựng công trình, trồng cây trên phần đất này cũng không đúng, vì vậy cần phải tháo dỡ, trả lại hiện trạng đất ban đầu là lối đi chung của hai chủ sở hữu.

Trên đây là toàn bộ nội dung vụ án dân sự về tranh chấp đất đai, qua vụ án này chúng ta thấy rằng, những tranh chấp dân sự nói chung, tranh chấp về đất đai nói riêng rất là phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều vấn đề khác nhau. Trong vụ này, Tòa án sơ thẩm đã bỏ qua tình tiết là thỏa thuận của các bên có liên quan trước đó về nguồn gốc đất tranh chấp, dẫn đến phán quyết bị sai lệch. Cũng may nhờ có Luật sư trợ giúp, tư vấn nên bà Trâm đã có thể hiểu và làm đơn kháng cáo đúng thời hạn, kháng cáo đúng nội dung. Mặc dù luật pháp không quy định phải kháng cáo đúng nội dung, mà việc mình kháng cáo đúng vấn đề sai sót thì việc giải quyết sẽ nhanh chóng hơn, việc thu thập tài liệu, chứng cứ được thu hẹp hơn nên khả năng được Tòa án chấp nhận sẽ cao hơn so với việc kháng cáo nhiều nội dung mà có những nội dung không cần thiết hoặc nội dung đã đúng.

Xem thêm nhiều vụ án hay tại: Hồ sơ vụ án

Nếu các bạn gặp hay có vấn đề gì thắc mắc, cần được tư vấn và hỗ trợ, vui lòng liên hệ với chúng tôi – Công ty Luật Ánh Ngọc. Với đội ngũ luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác nhau như dân sự, hình sự, kinh doanh,…sẽ giải đáp, và hỗ trợ bạn giải quyết nhanh chóng vụ việc, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình không bị xâm hại.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.