1. Thỏa thuận liên danh là gì?
Thỏa thuận liên danh được ký kết giữa hai hoặc nhiều bên để liên danh tham gia thực hiện đấu thầu nhằm thực hiện một dự án nào đó với đối tác thứ ba không phải các bên trong liên danh.
Theo đó, các bên liên danh đứng chung ở bên dự thầu, thực hiện công việc vì mục tiêu chung. Thỏa thuận liên danh có giá trị ràng buộc các chủ thể cùng đứng ở bên dự thầu và chịu trách nhiệm như nhau về phần công việc phân công.
2. Nội dung của thỏa thuận liên danh
2.1. Chủ thể
Các bên trong thỏa thuận liên danh là pháp nhân và cần có thông tin cơ bản của các bên như sau:
- Tên pháp nhân;
- Giấy chứng nhận đăng ký/Giấy phép hoạt động;
- Mã số thuế;
- Địa chỉ trụ sở chính;
- Điện thoại, Email;
- Người đại diện ký thỏa thuận: là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền. Nếu là người đại diện theo uỷ quyền thì cần đảm bảo là giấy uỷ quyền được cung cấp hợp lệ.
Nếu điều lệ của pháp nhân quy định việc giao kết hợp đồng (thường với giá trị lớn) cần có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nội bộ (như Hội đồng thành viên trong công ty TNHH hay Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị trong CTCP....) thì việc giao kết thỏa thuận liên danh cũng cũng cần được chấp thuận như vậy.
Đặc biệt lưu ý: Thỏa thuận liên danh sẽ không có hiệu lực nếu các bên (hoặc người đại diện của các bên) không có thẩm quyền giao kết thỏa thuận. Nói cách khác, thỏa thuận sẽ bị tuyên vô hiệu, hậu quả là các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận và bên có lỗi phải bồi thường.
2.2. Tên và đại diện Liên danh
- Tên Liên danh
- Các thành viên Liên danh
- Đại diện Liên danh
- Con dấu của Liên danh
- Tài khoản của Liên danh
- Địa chỉ giao dịch
- Thời hạn của Liên danh
2.3. Phân chia công việc (nếu trúng thầu)
Dựa vào nội dung gói thầu, các bên phân chia công việc cho từng thành viên trong liên danh. Công việc phân chia dựa trên các yếu tố như khối lượng công việc (%); hạng mục (giám sát, xây dựng, lắp đặt,...).
Chú ý: Nếu các bên có ý định chuyển nhượng một phần công việc sau trúng thầu cho nhà thầu liên danh khác thì cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật và ghi nhận rõ ràng trong điều khoản thỏa thuận.
2.4. Nguyên tác hoạt động của liên danh
Trong quá trình lập hồ sơ dự thầu: Các bên cung cấp cho nhau thông tin và hồ sơ cần thiết, tập trung điều kiện về năng lực sản xuất và tài chính của đơn vị mình cho Liên danh, với mục đích chung là thắng thầu dự án.
Trong quá trình tổ chức thực hiện dự án: Các bên bàn bạc thống nhất thành lập Ban điều hành công trường hoạt động theo quy chế của Ban điều hành đã được nhất trí thông qua.
2.5. Công tác tài chính kế toán
Mỗi bên độc lập về tài chính, tự chịu trách nhiệm về chế độ tài chính của mình và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh lỗ, lãi trong phần việc được giao.
2.6. Trách nhiệm của đại diện liên danh, người đại diện liên danh
Thỏa thuận quy định trách nhiệm của nhà thầu đứng đầu Liên danh và trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu Liên danh.
- Trách nhiệm của nhà thầu đứng đầu Liên danh: Nhà thầu đứng đầu Liên danh chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về mọi giao dịch, mọi công việc có liên quan đến việc thực hiện gói thầu.
- Người đứng đầu liên danh chịu trách nhiệm tổ chức Liên danh để thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ của gói thầu.
2.7. Trách nhiệm của mỗi thành viên trong liên danh
Đây là điều khoản quan trọng nhằm phân định vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong liên danh. Các bên có thể thỏa thuận một số nội dung như sau:
- Thỏa thuận về trách nhiệm tổ chức triển khai thi công của từng bên trên cơ sở khối lượng công việc đã được phân chia
- Thỏa thuận về trách nhiệm phối hợp của các bên trong quá trình đấu thầu
- Quy định về việc chịu trách nhiệm độc lập khi một bên vi phạm thỏa thuận của mình về các vấn đề liên quan đến khối lượng, kỹ thuật, tiến độ trước Chủ đầu tư. Bên cạnh đó, quy định việc chịu trách nhiệm liên đới nhau theo tỷ lệ khối lượng công việc đã phân chia đối với các vấn đề chung liên quan đến dự án
- Quy định về việc không được quyền chuyển nhượng quyền lợi và trách nhiệm của mình theo thỏa thuận liên danh này cho bên thứ 3 nếu chưa có văn bản chấp thuận của các thành viên khác trong Liên danh.
2.8. Bất khả kháng
Đây là điều khoản thỏa thuận giữa các bên về các trường hợp được xem là sự kiện bất khả kháng và trách nhiệm của các bên khi sự kiện này xảy ra. Bất kỳ việc không thực hiện hay chậm trễ thực hiện nghĩa vụ theo quy định của thỏa thuận mà do ảnh hưởng trực tiếp của sự kiện bất khả kháng đều không bị coi là vi phạm thỏa thuận. Để xây dựng điều khoản bất khả kháng một cách chặt chẽ, tránh tranh chấp không đáng có sau này thì người soạn thảo thỏa thuận cần nghiên cứu kỹ lưỡng quy định pháp luật về bất khả kháng.
2.9. Các trường hợp miễn trách nhiệm
Điều 294 Luật Thương mại 2005 quy định.
"Bên vi phạm thỏa thuận được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây.
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng,
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
a) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết thỏa thuận.
Bên vi phạm thỏa thuận có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm."
Điều này có nghĩa là mặc dù thỏa thuận không quy định về miễn trách nhiệm thì khi xảy ra các sự kiện như trên thì một bên có thể yêu cầu được miễn trách nhiệm.
Còn nếu các bên có thể thỏa thuận trong thỏa thuận về việc không áp dụng một hoặc vài trường hợp miễn trách nhiệm trên thì thỏa thuận này sẽ được tôn trọng.
2.10. Các chế tài
Đây là điều khoản quan trọng nhằm ràng buộc các bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận, cũng như trách nhiệm của bên có hành vi vi phạm thỏa thuận, hoặc gây ra thiệt hại cho bên còn lại. Có thể cân nhắc đưa vào thỏa thuận chế tài bồi thường thiệt hại, chế tài phạt vi phạm thỏa thuận.
2.11. Thời hạn
Các bên thỏa thuận thời hạn thực hiện thỏa thuận bao gồm ngày bắt đầu và ngày kết thúc.
2.12. Chấm dứt thỏa thuận liên danh
Thỏa thuận liên danh chấm dứt trong các trường hợp sau:
- Các bên thỏa thuận chấm dứt thỏa thuận liên danh
- Khi thời hạn thỏa thuận chấm dứt
- Trường hợp một bên vi phạm các cam kết, đảm bảo thì các bên còn lại có quyền huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thỏa thuận hoặc hủy bỏ và yêu cầu bên vi phạm phạt bồi thường thiệt hại
- Trường hợp một bên vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ theo thỏa thuận thì bên kia có quyền huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hoặc thỏa thuận và yêu cầu bên vi phạm phạt bồi thường thiệt hại.
2.13. Điều khoản về cam kết, bảo đảm
Các bên nên có các cam kết để đảm bảo thỏa thuận được thực hiện. Các cam kết có thể như sau:
- Việc ký hết thỏa thuận phải được chấp thuận nội bộ
- Cam kết có đầy đủ năng lực thực hiện phần việc của mình theo như quy định trong thỏa thuận liên danh
Mục đích của các cam kết này là để đề phòng trường hợp trong quá trình thực hiện thỏa thuận, một bên nhận thấy những cam kết của bên kia không đúng thì:
- Có quyền huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thỏa thuận và bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận đã ký kết
- Tuyên bố thỏa thuận đã được giao kết do nhầm lẫn, không trung thực, lừa đảo, do đó thỏa thuận có thể bị vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015
Lưu ý: Nếu không có những điều khoản này thì sau này sẽ không thể có chế tài để xử lý.
2.14. Điều khoản giải quyết tranh chấp
Điều khoản luật áp dụng và giải quyết tranh chấp có tính chất tiêu chuẩn trong thỏa thuận. Trong quá trình soạn thảo và đàm phán thỏa thuận, đôi khi các bên không để ý tới điều khoản này, nhưng khi phát sinh tranh chấp, điều khoản này có ảnh hưởng lớn đến cách thức giải quyết tranh chấp. Quy định không rõ ràng có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý bất lợi đối với một hoặc các bên trong thỏa thuận liên danh.
Điều khoản về giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận sẽ xác định cơ quan xét xử và thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết tranh chấp. Tranh chấp về thỏa thuận liên danh có thể được giải quyết bởi tại Tòa án và Trọng tài Việt Nam, Tòa án và Trọng tài nước ngoài.
Đặc biệt, đối với thỏa thuận liên danh có yếu tố nước ngoài thì các bên có thể lựa chọn pháp luật nước ngoài điều chỉnh thỏa thuận và cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài. Tuy nhiên, việc lựa chọn luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp càng đặc biệt quan trọng, bởi lẽ nó có thể rất rủi ro với một bên trong thỏa thuận.
Lưu ý: Căn cứ khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015, yếu tố nước ngoài trong thỏa thuận liên danh thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài
- Việc thực hiện thỏa thuận liên danh xảy ra tại nước ngoài
- Đối tượng của thỏa thuận liên danh ở nước ngoài
3. Mẫu Thỏa thuận liên danh song ngữ
4. Tải về Mẫu thỏa thuận liên danh song ngữ
Click để tải về: Mẫu Thỏa thuận liên danh song ngữ
5. Hình thức của thỏa thuận liên danh
Thỏa thuận liên danh phải được lập thành văn bản, bởi lẽ nó được thực hiện bởi nhiều bên và trong thời gian dài. Thỏa thuận liên danh không phải công chứng, chứng thực, do các bên tham gia đều là pháp nhân.
6. Ngôn ngữ của thỏa thuận liên danh
Thỏa thuận liên danh phải được lập bằng tiếng Việt, hoặc đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Nếu sử dụng dông thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì thỏa thuận cần quy định thứ tiếng nào ưu tiên hơn khi có sự khác biệt trong diễn đạt giữa hai thứ tiếng.
Để được tư vấn cụ thể về hợp đồng bạn ký kết, liên hệ với Luật Ánh Ngọc ngay hôm nay!