Tình hình buôn bán hàng cấm tại Việt Nam hiện nay vẫn đang là một thách thức đáng quan ngại. Trong đó việc sản xuất, vận chuyển và phân phối ma túy trái phép vẫn diễn ra, hay buôn bán hàng cấm khác như buôn vũ khí, hàng hóa nguy hiểm và chất gây ô nhiễm đang đe dọa an toàn và môi trường. Hàng hóa giả mạo và các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã cũng là những vấn đề đáng lo ngại. Các vấn đề này vẫn tồn tại và tiếp tục gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và sức khỏe của cộng đồng.
Đặc biệt nó có dấu hiệu gia tăng vào các tháng cuối năm khi các đối tượng thường tàng trữ, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, vì lợi nhuận của hàng cấm tương đối cao nên dù đây là hành vi trái pháp luật nhưng các đối tượng vẫn bất chấp tìm cách tiêu thụ để kiếm lời.
Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường kiểm soát và ngăn chặn buôn bán hàng cấm, bao gồm việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và tạo ra các cơ quan chuyên trách. Tuy nhiên, việc đối phó với tình hình này vẫn đòi hỏi sự cải tiến liên tục, tăng cường hợp tác đa phương và quyết tâm mạnh mẽ từ người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên để bảo vệ an ninh và sức khỏe của cộng đồng.
Trong bài viết này, Luật Ánh Ngọc muốn gửi đến bản đọc để tìm hiểu về những quy định pháp luật liên quan đến buôn bán chất cấm cũng như các hình phạt và biện pháp áp dụng cho người vi phạm và tầm quan trọng của việc áp dụng chế tài xử phạt trong việc ngăn chặn và kiểm soát buôn bán chất cấm cũng như tác động của chúng đối với xã hội và cộng đồng quốc tế.
Tham khảo thêm: Tội phạm và hình phạt tù
1. Định nghĩa hàng cấm và hành vi buôn bán hàng cấm
1.1. Hàng cấm là gì?
Thuật ngữ "hàng cấm" thường được sử dụng để chỉ các loại hàng hóa, sản phẩm hoặc vật liệu mà pháp luật hoặc quy định của Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng hoặc hạn chế mua bán, vận chuyển, sử dụng hoặc sở hữu. Các lý do cho việc cấm hoặc hạn chế loại hàng này là vì nó gây ảnh hưởng xấu đến sự an toàn, sức khỏe, môi trường, kinh tế, đạo đức - văn hóa, hoặc các lợi ích xã hội khác.
Ngoài ra dưới góc độ pháp lý, các loại hàng hóa cấm còn được Nhà nước quy định cụ thể tại Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP về hướng dẫn luật đầu tư. Trong các danh mục đó phân ra từng loại riêng như có loại hàng cấm có tính chất vĩnh viễn, hoặc loại hàng nào bị hạn chế...
Một số ví dụ về hàng cấm bao gồm:
1. Ma túy: Các loại ma túy như heroin, cần sa, cocaine,... thường bị cấm hoặc hạn chế do tác động tiêu cực đến sức khỏe và gây ra nhiều tội phạm liên quan đến buôn bán ma túy.
2. Vũ khí cấm: Các loại vũ khí quân sự, chẳng hạn như súng máy, đại bác, và tên lửa, thường bị cấm đối với người dân thường vì mục tiêu an ninh và an toàn.
3. Các hóa chất, khoáng sản nguy hiểm: Một số hóa chất hóa học, chất độc hại, hoặc chất gây ô nhiễm nghiêm trọng, các khoáng sản đặc biệt, độc hại có thể bị hạn chế trong việc vận chuyển hoặc sử dụng để đảm bảo an toàn môi trường và con người.
4. Các mẫu vật từ thực vật, động vật hoang dã: Các sản phẩm làm từ động vật, thực vật hoang dã bị cấm hoặc hạn chế để bảo vệ loài động vật, thực vật này khỏi đe dọa tuyệt chủng.
5. Một số loại dịch vụ bị cấm: Nhà nước cấm các loại dịch vụ kinh doanh mại dâm, đánh bạc, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh pháo nổ... liên quan đến văn hóa đạo đức cũng như sức khỏe và tính mạng của con người.
6. Các văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc gây hại tới đời sống, giáo dục thẩm mỹ, nhân cách con người
1.2. Buôn bán hàng cấm
Buôn bán hàng cấm là hoạt động mua bán, sử dụng, sản xuất, vận chuyển hoặc sở hữu các loại hàng hóa, sản phẩm hoặc vật liệu bị cấm theo quy định của pháp luật. Theo đó, người phạm tội có thể mua lại hàng cấm trong nội địa hoặc từ ngoài nước để tuồn hàng ra thị trường dưới bất ký hình thức nào.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm dân sự một cách nghiêm khắc. Việc kiểm soát và ngăn chặn buôn bán hàng cấm là một phần quan trọng của công tác thúc đẩy an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường, và duy trì trật tự xã hội.
2. Chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng cấm được quy định như thế nào?
Đối với xử lý hình sự: Hiện nay, tội buôn bán hàng cấm được quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự.
2.1. Đối với cá nhân (Khoản 1,2,3 và 4 Điều 190)
(Chế tài xử phạt tội buôn bán hàng cấm)
2.2. Đối với pháp nhân thương mại (Khoản 5 Điều 190)
(Chế tài xử phạt tội buôn bán hàng cấm)
Đối với xử lý vi phạm hành chính: Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi buôn bán hàng cấm bị phạt tiền theo quy định tại Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Luật Ánh Ngọc đưa ra 2 ví dụ về 2 mức phạt cụ thể như sau:
Mức 1: Anh S sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
Nếu anh S thực hiện các hành vi:
- Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng dưới 5 kilôgam hoặc dưới 5 lít;
- Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao;
- Buôn bán pháo nổ dưới 0,5 kilôgam;
- Buôn bán các hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 1.500.000 đồng.
Mức 2: Anh S sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
Nếu anh S thực hiện các hành vi:
- Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng từ 5 kilôgam đến dưới 10 kilôgam hoặc từ 5 lít đến dưới 10 lít;
- Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 50 bao đến dưới 100 bao;
- Buôn bán pháo nổ từ 0,5 kilôgam đến dưới 1 kilôgam;
- Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 1.500.000 đồng đến dưới 2.500.000 đồng.
Tương tự vậy mức phạt tiền tăng dần lên tùy theo mức độ của các hành vi với mức phạt thấp nhất là 1.000.000 đồng và cao nhất là 100.000.000 đồng, cụ thể:
(Chế tài xử phạt tội buôn bán hàng cấm)
Có thể thấy, tội buôn bán hàng cấm được áp dụng cho người phạm tội là người bán hoặc người mua với các mức hình phạt rất nghiêm khắc, do đó chỉ cần có hành vi bán hoặc mua hàng cấm của người phạm tội cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội buôn bán hàng cấm.
3. Giải đáp một số thắc mắc về các hành vi liên quan đến buôn bán hàng cấm
Tình huống 1: Gần kề ngày tết, anh M ra vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn mua 200kg pháo nổ về bán lấy tiền tiêu tết. Hành vi của anh M có phải là hành vi phạm pháp không?
Trả lời: Theo Khoản 3 Điều 190 Bộ luật hình sự quy định nếu có hành vi buốn bán pháo nổ từ 120 ki lô gram trở lên thì sẽ bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
Như vậy, hành vi mua 200kg pháo nổ từ vùng biên giới về để bán kiếm lời là hành vi phạm tội. Khung hình phạt cao nhất mà anh M phải chịu trách nhiệm hình sự là 15 năm.
Tình huống 2: Nếu một người nhờ tôi đưa hộ một túi đồ nhỏ cho người khác tại sân bay thì tôi có nên đồng ý?
Trả lời: Việc có người nhờ cầm hộ đồ tại sân bay, bến tàu hay bến xe là một việc có vẻ hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu đồ cầm hộ là các hàng hóa bị cấm như ma túy, xác động vật hoang dã,... và đưa hộ cho một bên thứ ba thì sẽ là một vấn đề rất nghiêm trọng và sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Ví dụ, đối với hàng hóa là ma túy. Theo quy định của pháp luật, việc giao nhận chất ma túy là hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Do đó, nếu bị đối tượng xấu nhờ cầm và giao hộ hàng hóa nhất là tại các địa điểm trên thì bạn nên kiểm tra, xác định xem đó là loại hàng hóa gì. Việc cảnh giác với những hành vi lạ, bất thường là điều rất cần thiết, không nên xách đồ cho người lạ khi chưa biết rõ hành lý và có trách nhiệm thông báo với nhân viên an ninh hoặc cơ quan công an gần nhất khi nghi ngờ có hàng cấm.
Bên cạnh đó, Bộ công an còn đề nghị người dân khi được nhờ cầm hộ hàng hóa cần phải kiểm tra, xác định rõ hành vi đó có trái quy định. Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan phát hiện và xử lý nghiêm khác các hành vi vận chuyển trái phép hàng cấm.
Trên đây là bài viết về chế tài xử phạt hành vi buôn bán hàng cấm của công ty Luật Ánh Ngọc. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp hoặc tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất của chúng tôi.