Tuổi chịu trách nhiệm hình sự


Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là yếu tố quan trọng để đánh giá một hành vi của cá nhân có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Qua bài viết sau đây, Luật Ánh Ngọc xin chia sẻ với bạn đọc về những nội dung pháp lý liên quan đến vấn đề này.

1. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là gì?

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là độ tuổi do Bộ luật Hình sự 2015 quy định mà khi đạt độ tuổi này, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về hành vi phạm tội của mình. 

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thường được ấn định dựa trên sự đánh giá về mức độ nhận thức của cá nhân đối với hành vi mà mình thực hiện tại độ tuổi đó. 

2. Bao nhiêu tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự?

Tai Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự của cá nhân thành 02 giai đoạn là người từ đủ 16 tuổi và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Cụ thể như sau: 

2.1. Người từ đủ 16 tuổi

Tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người ở độ tuổi này phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm do mình thực hiện, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. 

Cũng theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, những tội phạm sau đây thì chủ thể thực hiện tội phạm này phải là người từ đủ 18 tuổi, nếu không sẽ không đủ yếu tố cấu thành tội phạm đó: 

  • Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145) 
  • Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146) 
  • Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147)
  • Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp (Điều 325)
  • Tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329)

2.2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi

Đây là độ tuổi mà cá nhân chưa hoàn thiện về khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Do đó, người ở độ tuổi này chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và được đánh giá là những tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội rất cao. 

Cụ thể là những tội phạm như sau:  

28 tội danh mà người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm

28 tội danh mà người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm

Lưu ý: Tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được định nghĩa như sau: 

  • Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
  • Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự  quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Ví dụ 1: Đối với Tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự ngay từ từ khi tội phạm hoàn thành. 

Tuy nhiên, đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, chủ thể này chỉ chịu trách nhiệm khi hành vi phạm tội thuộc trường hợp được quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 của điều luật này. 

Ví dụ 2: Đối với tội dâm ô với người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự thì người thực hiện tội phạm phải là người từ đủ 18 tuổi. Do đó, trong trường hợp người chưa đủ 18 tuổi thực hiện các hành vi được mô tả tại Điều luật này (hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác) thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

3. Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi

03 nguyên tắc cơ bản khi xử lý người phạm tội dưới 18 tuổi

03 nguyên tắc cơ bản khi xử lý người phạm tội dưới 18 tuổi

Việc xử lý người dưới 18 tuổi cần có chế định riêng để đảm bảo tối đa quyền lợi của họ. Nếu áp dụng hình phạt quá nặng có thể khiến họ mất hết “tương lai” và không có cơ hội sửa sai khi ở độ tuổi quá nhỏ. 

Ngoài ra, người dưới 18 tuổi vẫn chưa thực sự hoàn thiện về khả năng tâm sinh lý và nhận thức hành vi, do đó, hành vi phạm tội của họ ít nhiều đều có sự cảm thông được.

Tại Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 đã liệt kê các nguyên tắc áp xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó có những nguyên tắc đáng chú ý như sau: 

Thứ nhất, chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong những biện pháp sau không đảm bảo hiệu quả: 

  • Xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục tại Mục 2 Chương XII Bộ luật Hình sự 2015
  • Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng tại Mục 3 Chương XII Bộ luật Hình sự 2015

Thứ hai, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Thứ ba, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương XII Bộ luật Hình sự:

  • Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều sau: 
08 Tội danh mà người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện sẽ không được xem xét miễn TNHS

08 Tội danh mà người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện sẽ không được xem xét miễn TNHS

  • Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự (tại   phần 2.2 của bài viết), trừ tội phạm quy định tại các điều sau tại Bộ luật này: 
14 Tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện sẽ không được xem xét miễn TNHS

14 Tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện sẽ không được xem xét miễn TNHS

  •  Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Theo cách hiểu chung, người đồng phạm có vai trò không đáng kể được hiểu là người có hành vi rất đơn giản, tính chất nguy hiểm cho xã hội thấp, mức độ tham gia hạn chế nhất so với các đồng phạm, thông thường không trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại vật chất của tội phạm.

Ví dụ: Trên đường đi học về, A (17 tuổi) ghé vào một quán ăn. Vì thấy người chủ quán để tiền khá “hớ hênh” trong một chiếc hộp. Nảy sinh lòng tham, nhân lúc chủ quán không để ý, A đã lấy trộm toàn bộ số tiền có trong hộp tiền, cho vào cặp và đi về. Tổng số tiền mà A lấy được là 3 triệu đồng. 

Đối chiếu với quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi phạm tội của A thuộc khoản 1 (loại tội phạm ít nghiêm trọng). 

Theo Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 nêu trên, nếu A có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51 Bộ luật này và đã hoàn trả lại phần lớn số tiền đã trộm được cho chủ quán thì A có thể được miễn trách nhiệm hình sự. 

Qua bài viết trên, Luật Ánh Ngọc đã gửi tới bạn đọc những thông tin pháp lý cơ bản xoay quanh vấn đề Tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Nếu có vướng mắc hoặc có yêu cầu hỗ trợ, hãy liên hệ tới Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ kịp thời. 

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.