Trả lời tư vấn hợp đồng mua bán thẻ hội viên


Trả lời tư vấn hợp đồng mua bán thẻ hội viên
Thư yêu cầu tư vấn của chị P: Ngày 12/09/2020 Chị N.L.P và anh Đ.H.V ký kết hợp đồng mua bán số HN0000000 với Chi nhánh Công ty TNHH C.R.V. Nội dung hợp đồng: thỏa thuận về việc mua Quyền hội viên Classic Escapes giữa hai bên. Sau khi xem xét lại nội dung hợp đồng, chị P có một số câu hỏi như sau: 1. Chị P có thể yêu cầu Chi nhánh Công ty TNHH C.R.V bổ sung nội dung sau vào hợp đồng không: Công ty sẽ hoàn lại 1800$/ năm tính từ khi ký Hợp đồng tại các mốc năm 2020, 2023, 2026 và 2029 (tức là tại năm đó sẽ hoàn 5400$). Vào thời điểm ký hợp đồng Công ty đã trừ luôn 5400$ của năm 2020. 2. Chị P có bắt buộc phải trả hết tiền cho dù không muốn mua quyền Hội viên này nữa không? Liệu có thể làm thế nào để Chị P dừng mua và không vị bắt trả thêm tiền không? (hiện Chị P đã thanh toán 30 triệu)  3. Trong trường hợp Chị P không mua quyền hội viên nữa, Chị P có phải trả 5000$ không? Và thư này của Chi nhánh Công ty TNHH C.R.V có ý nghĩa Pháp luật để ràng buộc họ phải bán được 3 tuần Alma - Resort giúp Chị P hay không?

1. Quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán thẻ hội viên

- Căn cứ điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

- Căn cứ mục sửa đổi Hợp đồng trong hợp đồng HN000000 thì : “Mọi sửa đổi liên quan đến Hợp đồng này chỉ có hiệu lực khi chúng được lập thành văn bản có chữ ký xác nhận của cả hai bên. Bất kỳ cam kết hoặc cam đoan nào diễn ra trước hoặc vào thời điểm Bên mua ký hợp đồng này mà không được đề cập đến tại văn bản này hoặc bất kỳ phụ lục nào thì phải được viết thêm vào hợp đồng này và có chữ ký của bên mua và CRV”.

Do đó, Chị P hoàn toàn có quyền yêu cầu phía bên Công ty sửa đổi, bổ sung các nội dung như: “Công ty sẽ hoàn lại 1800$/ năm tính từ khi ký Hợp đồng tại các mốc năm 2020, 2023, 2026 và 2029 (tức là tại năm đó sẽ hoàn 5400$). Vào thời điểm khách hàng ký Hợp đồng Công ty đã trừ luôn tiền của năm 2020” vào hợp đồng. Ngoài nội dung này, thì tất cả các nội dung khác trong hợp đồng, nếu Chị thấy không phù hợp và cần phải sửa đổi, bổ sung thì Chị có quyền yêu cầu Công ty C.R.V sửa đổi, bổ sung lại.

Hiện nay, Công ty C.R.V đã viết tay nội dung trên vào thẻ hội viên hạng Gold, điều này không đảm bảo vững chắc về mặt pháp lý. Vì theo hợp đồng, tất cả sửa đổi bổ sung phải được các bên được lập bằng văn bản và có chữ ký của cả hai bên. Do đó Chị phải yêu cầu họ sửa đổi hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng và ký, đóng dấu cho Chị.

Xin lưu ý rằng: Nếu vụ việc dẫn đến tranh chấp và phải đưa ra Tòa án, thì nội dung viết tay nêu trên vẫn được coi là căn cứ pháp lý để Chị bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình.

Hợp đồng mua bán quyền hội viên
Hợp đồng mua bán quyền hội viên

2. Dừng mua quyền hội viên

  • Chị P có bắt buộc phải trả hết tiền cho dù không muốn mua quyền Hội viên này nữa không?

- Căn cứ Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì: “1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. 2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.”

-  Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 427 Bộ luật dân sự 2015 thì:“1. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. 2. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản”.

- Căn cứ khoản 3 điều 428 Bộ luật dân sự 2015 về đơn phương chấm dứt hợp đồng thì: “Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện”.

Do đó, trong trường hợp Chị P có lí do để đơn phương chấm dứt hợp đồng thì Chị sẽ không phải tiếp tục thanh toán theo các thỏa thuận trong hợp đồng số HN0000000.

Trường hợp chị có lí do để hủy bỏ hợp đồng hoặc để xác định hợp đồng vô hiệu thì Chị không phải tiếp tục thanh toán theo thỏa thuận đồng thời phía bên Công ty C.R.V sẽ phải thanh toán lại 30.000.000 VNĐ cho Chị.

  • Liệu có thể làm thế nào để Chị P dừng mua và không vị bắt trả thêm tiền không? (hiện Chị P đã thanh toán 30 triệu) 

- Căn cứ Điều 122 Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu thì:“Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”.

- Căn cứ Điều 123 Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.

- Căn cứ khoản 1 Điều 126 Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn: “1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.

- Căn cứ Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.

- Căn cứ Điều 129 Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức: “Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu”.

- Căn cứ Điều 423 Bộ luật dân sự 2015 về Hủy bỏ hợp đồng thì: “1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

  1. a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
  2. b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;
  3. c) Trường hợp khác do luật quy định”.

- Căn cứ Điều 428 Bộ luật dân sự 2015 về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì:“1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

- Căn cứ điểm h khoản 1 Điều 16 Luật bảo vệ quyền lợi lợi người tiêu dùng về điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực: “h) Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình”.

- Căn cứ khoản 1 Điều 17 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về thực hiện hợp đồng theo mẫu: “1. Khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng”.

Trong email, chị không viết cụ thể là chị ký hợp đồng trong bối cảnh như thế nào? Quá trình chị kí kết hợp đồng có bị lừa dối dẫn đến chị hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của nội dung giao dịch không? Quá trình tham gia sự kiện họ đã cam kết với anh/chị những gì nhưng lại không đưa vào hợp đồng? Phía bên Công ty C.R.V có dành một thời gian hợp lý để chị nghiên cứu hợp đồng không?

Nếu Công ty C.R.V không đảm bảo quyền lợi cho chị, khi chị ký kết hợp đồng chị bị hiểu sai nội dung giao dịch, hoặc công ty không cho chị một thời gian hợp lý để chị nghiên cứu hợp đồng….thì chị có thể viện dẫn một trong các quy định nêu trên để chỉ ra vi phạm của phía Công ty C.R.V và yêu cầu họ chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng hoặc chị có thể chủ động đơn phương chấm dứt hợp đồng.

3. Nghĩa vụ thanh toán khi dừng mua quyền hội viên

- Căn cứ mục sửa đổi Hợp đồng trong hợp đồng HN000000 có nội dung: “Bất kỳ cam kết hoặc cam đoan nào diễn ra trước hoặc vào thời điểm Bên mua ký hợp đồng này mà không được đề cập đến tại văn bản này hoặc bất kỳ phụ lục nào thì phải được viết thêm vào hợp đồng này và có chữ ký của bên mua và CRV. Các bên đồng ý rằng, không áp dụng bất kỳ điều khoản hay tuyên bố nào, dù bằng miệng hoặc bằng văn bản, ngoài các cam kết trong hợp đồng”.

- Căn cứ thư gửi ngày 12/09/2020 của Công ty C.R.V về hợp đồng mua bán số HN000000 với nội dung: “C.R.V sẽ hỗ trợ Quý vị bán lại sản phẩm sở hữu kỳ nghỉ Alma của Quý vị sau 06 tháng kể từ ngày Quý vị hoàn tất việc thanh toán Quyền hội viên Classic Escapes của mình”.

  • Trong trường hợp Chị P không mua quyền hội viên nữa, Chị Phương có phải trả 5.000$ không?

Trách nhiệm thanh toán đã được đặt ra với chị khi chị kí hợp đồng số HN0000000. 5.000$ này là giá trị của kỳ nghỉ Alma, trách nhiệm này chỉ hình thành sau khi chị đã hoàn tất thanh toán theo Hợp đồng số HN0000000. Nếu chị không thanh toán hoặc thanh toán không đúng tiến độ thì sẽ không có kì nghỉ Alma này. Do đó, nếu chị tiếp tục thực hiện hợp đồng thì trách nhiệm trả 5000$ vẫn đặt ra cho chị khi chị chưa hoàn tất việc thanh toán theo đúng tiến độ hoặc khi nghỉ Alma không được bán lại cho bên thứ ba.

Việc chị P không mua quyền hội viên nữa được hiểu là chị đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Do đó nếu chị đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì chị sẽ không phải trả tiếp tục trả 5.000$ cho Công ty C.R.V.

  • Thư của Chi nhánh Công ty TNHH C.R.V Corp có ý nghĩa Pháp luật để ràng buộc họ phải bán được kì nghỉ 3 tuần Alma - Resort giúp Chị P hay không? 

Thư gửi có thể coi là một thỏa thuận hợp pháp của các bên về việc thực hiện hợp đồng mua bán số HN0000000 và có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng chính. Tuy nhiên bên Công ty C.R.V chỉ cam kết “sẽ hỗ trợ” Anh/Chị bán lại sản phẩm sở hữu kỳ nghỉ Alma. Công ty C.R.V không cam kết “buộc phải bán lại được”, hoặc nếu không bán lại được thì họ sẽ xử lý như nào giúp chị. Nội dung văn bản này không rõ ràng, không đảm bảo được trách nhiệm buộc phải bán lại kì nghỉ Alma. Nếu trong trường hợp Công ty tuyên bố không bán lại được kì nghỉ Alma cho Anh/Chị thì trách nhiệm thanh toán khoản 5.000$ vẫn được đặt ra cho Anh/Chị .

Nếu trong trường hợp Anh/Chị vẫn tham gia hợp đồng này, Anh/Chị nên yêu cầu phía Công ty C.R.V ghi rõ cam kết của họ và việc khấu trừ trước 5.000$, số tiền này sẽ không thay đổi và Chị không phải thanh toán trong mọi trường hợp. Nghĩa vụ thanh toán 5.000$ sẽ không đặt ra cho Anh/Chị ngay cả khi phải Công ty C.R.V không bán lại được kì nghỉ Alma cho Anh/Chị.

>>>>> Xem thư tư vấn đầy đủ: Thư tư vấn về Hợp đồng mua bán quyền hội viên

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.