Trả lời tư vấn công ty có nên thuê người đại diện theo pháp luật?


Trả lời tư vấn công ty có nên thuê người đại diện theo pháp luật?
Công ty Luật Ánh Ngọc Justice & Trust xin gửi tới Quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn Quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu tư vấn về vấn đề pháp lý liên quan đến Người đại diện theo pháp luật của Công ty, chúng tôi xin tư vấn sơ bộ về vấn đề của Quý khách như sau:

1. Đối với kế hoạch thành lập CTCP thuê: Người đại diện pháp luật và người làm Tổng giám đốc (cả 2 đều không có cổ phần).

1.1 Ưu điểm:

Pháp luật hiện hành không cấm doanh nghiệp thuê người đại diện theo pháp luật và thuê người làm Tổng giám đốc công ty. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm người có đủ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn để làm người đại diện theo pháp luật/ Tổng giám đốc công ty để hỗ trợ ban lãnh đạo công ty đưa ra các phương án kinh doanh, tham gia quản lý, điều hành, báo cáo tình hình kinh doanh,…một cách hiệu quả.

Đặc biệt, việc thuê người đại diện theo pháp luật giúp Doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với nhân lực chất lượng cao trên khắp thế giới. Trong nhiều trường hợp, cổ đông chỉ là nhà đầu tư, cổ đông không có thời gian, không mặn mà với việc tham gia lãnh đạo, điều hành Công ty hoặc không có kinh nghiệm trong một số lĩnh vực đặc biệt. Thuê người đại diện theo pháp luật sẽ khắc phục các nhược điểm này.

1.2 Nhược điểm:

- Người được thuê là người đại diện theo pháp luật: xét về bản chất những người được thuê cũng chỉ là một nhân viên như bình thường (người lao động). Họ không phải là người trực tiếp bỏ tiền đầu tư nên trong nhiều trường hợp họ chỉ làm tròn trách nhiệm của một người lao động mà không thực sự tâm huyết với Công ty.

- Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật không làm tốt các nhiệm vụ được giao, người đại diện không phối hợp để ký kết các văn bản pháp lý, hồ sơ, giấy tờ...doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành.

=> Trên thực tế, các tập đoàn lớn hoặc và nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn phương thức thuê người đại diện theo pháp luật giữ chức danh Giám đốc/Tổng Giám đốc. Việc thuê người đại diện theo pháp luật mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đặc biệt là tận dụng những người lãnh đạo giỏi.

1.3 Có những lưu ý gì để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông?

- Các cổ đông cần phải tuân thủ các quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ Công ty, họp hành đầy đủ, có chính sách, văn bản, nghị quyết rõ ràng để từ đó buộc người đại diện theo pháp luật phải tuân thủ từng bước trong quá trình điều hành Công ty. Tránh trường hợp, người đại diện theo pháp luật có quyền quyền tự quyết trong các vấn đề cả khi hội đồng cổ đông chưa thực sự nghiên cứu kĩ.

- Cổ đông có cổ phần càng nhiều thì họ sẽ có nhiều quyền quyết định đối với các vấn đề của Công ty. Để đảm bảo quyền lợi của mình, cổ đông phải luôn nắm rõ các hoạt động của Công ty để từ đó quyết định các chính sách cũng như điều chỉnh kịp thời các hoạt động gây bất lợi cho Công ty.

- Nếu chính cổ đông, đặc biệt là cổ đông nắm cổ phần cao nhất không quan tâm đến hoạt động của Công ty, không tham gia vào các cuộc họp, đưa ra các chính sách hợp lý thì quyền lợi của họ sẽ không bao giờ được đảm bảo.

1.4 Hợp đồng thuê nên có những hạn chế gì ở quyền hạn của 2 vị trí này?

Bản chất của Hợp đồng thuê trong trường hợp này là Hợp đồng lao động và buộc phải tuân thủ các quy định của Bộ Luật lao động. Trong khi đó, các quyền và nghĩa vụ của Người đại diện theo pháp luật/Tổng giám đốc lại được quy định khá cụ thể trong Luật Doanh nghiệp và được cụ thể hơn trong Điều lệ Công ty. Do đó, nếu như Công ty muốn hạn chế các quyền của 02 vị trí này thì cần được Quy định rõ cụ thể các quyền và nghĩa vụ  tại Điều lệ Công ty, không chỉ ràng buộc ở Hợp đồng thuê.

Trong trường hợp này, Công ty có thể cụ thể hóa các quy định về các quyền và nghĩa vụ của Người đại diện theo pháp luật tại Điều lệ và Hợp đồng thuê như sau:

Quy định rõ trách nhiệm của người được thuê làm Người đại diện theo pháp luật:

  1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
  2. Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
  3. Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
  4. Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.
  5. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định .

Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người được thuê làm Tổng giám đốc:

a) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;

b) Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

d) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;

đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;

e) Quyết định tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

g) Tuyển dụng lao động;

h) Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

i) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.

Trong Điều lệ, Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có thể quy định thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, Điều lệ và các quy chế quản trị nội bộ của doanh nghiệp cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của NĐDPL/ Tổng giám đốc và xác định rõ thẩm quyền về chức danh quản lý, điều hành, cụ thể:

  • Phân định thẩm quyền của NĐDTPL/Tổng giám đốc trong việc ký kết hợp đồng/giao dịch theo tiêu chí từng lĩnh vực cụ thể hoặc theo chức năng;
  • Xác định rõ các hợp đồng/giao dịch cần phải được sự chấp thuận cổ đông, Hội đồng quản trị hay chỉ cần một người;
  • Cơ chế giám sát ở 2 vị trí này.

Thứ hai, cần xác định rõ trách nhiệm của NĐDTPL/ TGĐ trong phạm vi được phân chia quyền, nghĩa vụ và xây dựng cơ chế để phối hợp hiệu quả.

Thứ ba, cần xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện quyền của NĐDTPL/TGĐ. Theo đó, cần giám sát việc thực thi quyền của NĐDTPL và Tổng giám đốc, thông qua Ban Kiểm soát – cơ quan giám sát nội bộ độc lập, thành viên HĐQT độc lập và thiết lập cơ chế giám sát trực tiếp từ các cổ đông công ty.

Đối với các vấn đề liên quan đến tài khoản ngân hàng của công ty

+ Trường hợp người DDPL (thuê) là chủ tài khoản tại ngân hàng (Không có cổ phần trong công ty)

+ Trường hợp người DDPL là chủ tài khoản tại ngân hàng (Có khoảng 0.5% cổ phần trong công ty => người này vừa là cổ đông, vừa là người đại diện pháp luật).

Căn cứ Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-NHNN sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN quy định về đối tượng mở tài khoản thanh toán như sau:

Điều 11. Đối tượng mở tài khoản thanh toán

  1. Tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.”.

Căn cứ khoản 3 Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN như sau :

"Điều 3. Các hình thức mở tài khoản thanh toán và việc trả lãi đối với số dư trên tài khoản thanh toán.

Tài khoản thanh toán của tổ chức là tài khoản do khách hàng là tổ chức mở tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Chủ tài khoản thanh toán của tổ chức là tổ chức mở tài khoản. Người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (gọi chung là người đại diện hợp pháp) của tổ chức mở tài khoản thanh toán thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện.”

Chủ tài khoản ngân hàng của Công ty là Công ty (pháp nhân). Không tồn tại trường hợp người đại diện theo pháp luật là chủ tài khoản tại ngân hàng của Công ty. Người đại diện hợp pháp thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện của mình.

+ Trường hợp người đại diện pháp luật KHÔNG phải chủ tài khoản tại ngân hàng (Có khoảng 0.5% cổ phần trong công ty => người này vừa là cổ đông, vừa là người đại diện pháp luật).

Trong mọi trường hợp, người đại diện theo pháp luật chỉ nhân danh (đại diện) Công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, điều lệ Công ty. Bản thân người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm nếu có các hoạt động không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Để hạn chế thấp nhất các rủi ro mà người đại diện theo pháp luật có thể đem lại cho Công ty thì Công ty nên quy định rõ các nhiệm vụ, giới hạn các quyền của người đại diện theo pháp luật tại Điều lệ Công ty. Thường xuyên giám sát để đảm bảo việc Người đại diện theo pháp luật không có hoạt động vượt quá thẩm quyền.

2. Những điểm lưu ý khi kí hợp đồng bảo mật thông tin với nhân viên.

Hợp đồng bảo mật thông tin
Hợp đồng bảo mật thông tin

Ký thỏa thuận bảo mật với người lao động là thủ tục đối với những người lao động là nhân viên mới. Khi một người lao động được doanh nghiệp thuê vào thì sẽ được công ty yêu cầu ký vào cam kết bảo mật thông tin nếu họ được truy cập vào những thông tin bảo mật của công ty. Đối với loại thỏa thuận này thì chỉ có một bên ký kết là người lao động – đây được gọi là cam kết bảo mật thông tin đơn phương.

Để hợp đồng bảo mật thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và mang tính răn đe đối với người lao động khi thực hiện cam kết bảo mật thông tin thì công ty lưu ý:

- Về phần quy định chung của Công ty: nêu định nghĩa như thế nào là thông tin bảo mật, các loại thông tin cần bảo mật của công ty, các vấn đề chung mà nhân viên cần nắm bắt được về thông tin bảo mật;

- Về nội dung bảo mật:

  • Cần quy định về các trường hợp cụ thể;
  • Phương thức bảo mật thông tin;
  • Thông tin các bên tham gia thỏa thuận bảo mật thông tin;
  • Quy định trường hợp được hoặc không được sử dụng các thông tin cần bảo mật của công ty;
  • Quy định thời gian bảo mật thông tin;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia cam kết bảo mật thông tin;
  • Các quy định khác.
  • Phần Cam kết: Xử lý vi phạm bảo mật thông tin (Có thể quy định mức xử lý vi phạm với mức nặng nhất là sa thải);

Trên đây là thư tư vấn của Luật Ánh Ngọc về vấn đề của Quý khách hàng. Mục đích đưa ra thư này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong thư có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong thư khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

>>> Xem thêm thư tư vấn: Tải về

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.