1. Bốn quy định về an toàn thực phẩm trong trường học
Khi trường học có kế hoạch và mong muốn được xây dựng bếp ăn bán trú hay là căn tin trong khuân viên trường học thì phải đảm bảo tuân thủ 04 quy định về an toàn thực phẩm trong trường học:
1.1. Đảm bảo điều kiện về người phụ trách và cơ sở vật chất
Điều kiện thứ nhất: về người phụ trách
- Bằng cấp, chứng chỉ: Phải có giấy chứng nhận được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hành tối về vệ sinh cá nhân;
(Căn cứ theo khoản 2 Điều 18 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT thì giấy chứng nhận được tập huấn kiên thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do chủ cơ sở xác nhận)
- Trang phục khi làm việc:
+ Được trang bị và sử dụng đầy đủ các trang bị bảo hộ trong quá trình chế biến thực phẩm;
+ Đầu tóc, quần áo phải gọn gàng sạch sẽ trước khi làm việc;
+ Thực hiện quy trình vệ sinh cá nhân trước khi bảo quản, chế biến thực phẩm.
- Sức khỏe:
+ Đảm bảo sức khỏe để hoàn thành công việc;
+ Không mắc các tổn thương ngoài da, bệnh ngoài da hoặc bênh truyền nhiễm trong thời kỳ lây nhiễm có khả năng lây truyền qua thực phẩm hoặc mắc các bệnh như són phân;
+ Được khám sức khỏe định kỳ.
Điều kiện thứ hai: về cơ sở vật chất
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT có quy định về các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó:
- Quy mô diện tích, địa điểm xây chỗ ăn, căn tin trong trường: Phải phù hợp với quy định an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học (có hệ thống phòng cháy chữa cháy an toàn, hệ thống xử lý chất thải phù hợp với quy định bảo vệ môi trường), phù hợp với không gian trường học (cách xa lớp học, thuận tiện việc đi lại của học sinh,..);
- Nguồn nước: Phải có đủ nguồn nước sạch để cung cấp trong ăn uống tại trường học (tiêu chuẩn mẫu nước phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng nước sinh hoạt số 02:2009/BYT);
- Cấu trúc bên trong căn tin, nhà ăn: Để phù hợp với quy định an toàn thực phẩm trong trường học thì với cấu trúc bên trong được phân chia riêng biệt, rõ ràng phù hợp với từng tính chất và công năng của từng khu vực (khu vực nhà ăn, nhà bếp, nhà kho, khu vực sát trùng vệ sinh trước và sau khi ăn):
Cấu trúc | Điều kiện |
Khu vực nhà ăn |
+ Cấu trúc phải được xây dựng thông thoáng, có đủ ánh sáng. Bức tường bao quanh phải bằng phẳng, nhẵn, hạn chế các khe rãnh, góc cạnh, gờ dễ bám bụi, chất bấn và thuận tiện cho việc vệ sinh cũng như khử trùng; + Bàn, ghế, dụng cụ, phương tiện phải được làm bằng vât liệu dễ cọ rửa; + Dụng cụ chứa thức ăn và sử dụng để ăn uống phải được làm băng vật liệu dễ làm vệ sinh và không mang yếu tố độc hại; + Được trang bị các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho việc làm vệ sinh và khử trùng; + Có phương tiện bảo quản thực phẩm, trang thiết bị ngăn cạnh các con vật gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm (con gián, con ruồi,...); + Có phương tiện phân loại, thu gom và vận chuyển rác, thực phẩm, thức ăn thừa. Các dụng cụ chứa đựng rác phải được làm bằng vật liệu chắc chắn, có nắp đậy và thuận tiện cho việc làm vệ sinh. |
Khu vực sát trùng vệ sinh trước và sau khi ăn | Có hệ thống cung cấp nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn |
Khu vực nhà bếp |
+ Phải có trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản các loại thực phẩm khác nhau; + Cấu trúc phải được xây dựng thông thoáng, sạch. Phân chia khu nấu chính và khu sơ chế đồ; + Được trang bị các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho việc làm vệ sinh và khử trùng; + Có phương tiện bảo quản thực phẩm, trang thiết bị ngăn cạnh các con vật gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm (con gián, con ruồi,..); + Có phương tiện phân loại, thu gom và vận chuyển rác, thực phẩm, thức ăn thừa. Các dụng cụ chứa đựng rác phải được làm bằng vật liệu chắc chắn, có nắp đậy và thuận tiện cho việc làm vệ sinh. |
Kho chứa thực phẩm |
+ Bảo đảm lưu thông không khí, đủ ánh sáng. Cửa sổ phải có lưới chống chuột, ruồi, nhặng, gián và các côn trùng có hại khác; + Tường, trần nhà và sàn nhà phải kết cấu bằng vật liệu kiên cố và bảo đảm nhẵn, bằng phẳng, hạn chế các khe rãnh, góc cạnh, gờ dễ bám bụi, chất bẩn, thuận tiện cho việc làm vệ sinh và khử trùng; + Có phương tiện, dụng cụ để phân loại, bảo quản và lưu giữ thực phẩm. |
1.2. Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm và các khâu
Vì tính chất và quy định để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học nên việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm và các khâu đi kèm cũng được kiểm tra và kiểm soát rất cụ thể và sát sao:
Thứ nhất: là khâu nhập thực phẩm cung cấp cho căng tin, nhà ăn trong trường học. Ở khâu này, phải đảm bảo về nguồn gốc thực phẩm được cung cấp một cách an toàn, đảm bảo quy định. Các thực phẩm luôn đi kèm với các giấy tờ để chứng minh về tính bảo đảm của từng loại thực phẩm;
Thứ hai: là khâu sơ chế và chế biến nguồn thực phẩm vừa được cung cấp. Ở khâu này, luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (từ trang phục, trình độ, tóc, nguồn nước, hệ thống xử lý chất thải, không gian,...);
Thứ ba: là khâu thành phẩm và bảo quản. Khi đã có thành phẩm, phải được che đậy kỹ tránh các tác nhân gây ô nhiễm xung quanh và khi đến tay các học sinh thì thành phẩm luôn đạt được ở mức đảm bảo đủ điều kiện cung cấp cho sức khỏe, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
1.3. Quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước
Căn cứ theo quy định được nêu tại "Hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực 03 bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống" được ban hàn kèm theo Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 31/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế, với quy định về an toàn thực phẩm trong trường học, khi giao nhận thực phẩm có chế độ kiểm thực 03 bước. Cụ thể bao gồm:
Bước 1. Kiểm tra trước khi chế biến thức ăn:
Trước khi nhập nguồn nguyên liệu thực phẩm vào trường hợp bắt buộc phải có quy trình kiểm tra:
- Kiểm tra về chủng loại và giấy tờ đi kèm đối với mỗi loại sản phẩm (chứng nhận về nguồn gốc, xuất xứ, hợp đồng mua bán, hóa đơn và các giấy tờ khác có liên quan). Cụ thể như sau:
+ Loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh: tên thực phẩm, khối lượng, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, thông tin trên nhãn sản phẩm (tên sản phẩm, nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, hạn dùng, quy cách đóng gói, khối lượng, yêu cầu bảo quản...);
+ Loại thực phẩm bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm: tên sản phẩm khối lượng, kiểm tra nhãn sản phẩm (tên sản phẩm, cơ sở sản xuất, địa chỉ sản xuất, lô sản xuất, ngày sản xuất, thời hạn sử dùng, quy cách đóng gói, khối lượng, hướng dẫn sử dụng, yêu cầu bảo quản). Khi cần, kiểm tra các giấy tờ liên quan đến sản phẩm (Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm...).
- Kiểm tra, đánh giá tình trạng cảm quan về chất lượng, an toàn thực phẩm của từng loại thực phẩm nhập vào bao gồm màu sắc, mùi vị, tính nguyên vẹn của sản phẩm và điều kiện bảo quản thực tế (nếu có yêu cầu).
Bước 2. Kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn:
- Kiểm tra điều kiện vệ sinh tại cơ sở từ thời điểm bắt đầu sơ chế, chế biến cho đến khi thức ăn được chế biến xong:
+ Người tham gia chế biến: trang phục, mũ, găng tay, trang sức...;
+ Trang thiết bị dụng cụ chế biến: sử dụng dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm sống và chín, nơi để thực phẩm chín và sống...;
+ Vệ sinh khu vực chế biến và phụ trợ: sàn nhà, thoát nước, thùng rác...;
- Đánh giá cảm quan món ăn sau khi chế biến: trong quá trình sơ chế, chế biến, nếu phát hiện nguyên liệu, thức ăn có biểu hiện khác lạ (màu sắc, mùi vị...) cần được kiểm tra, đánh giá và loại bỏ thực phẩm, thức ăn và ghi rõ biện pháp xử lý;
- Ghi chép ngày giờ bắt đầu và kết thúc chế biến của từng món ăn.
Bước 3. Kiểm tra trước khi ăn:
- Kiểm tra việc chia thức ăn, khu vực bày thức ăn;
- Kiểm tra các món ăn đối chiếu với thực đơn bữa ăn;
- Kiểm tra vệ sinh bát, đĩa, dụng cụ ăn uống;
- Kiểm tra dụng cụ che đậy;
- Đánh giá cảm quan về các món ăn, trường hợp món ăn có dấu hiệu bất thường hoặc mùi, vị lạ thì phải có biện pháp xử lý kịp thời và ghi chép cụ thể.
1.4. Đảm bảo vệ sinh trường học
Để đảm bảo vệ sinh trường học, có một vài quy định cần được trường tuân thủ, cụ thể gồm:
- Quy mô, diện tích trường học: được xây dựng phù hợp để đảm bảo cho học sinh có một không gian học trong sạch (không gần nơi bị ô nhiễm, không gần đường quốc lộ,...), đảm bảo về quy định phòng cháy chữa cháy và đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm trong trường học;
- Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Phân chia các khu phù hợp với tính chất, công dụng, sự tiện nghi (khu giảng đường, khu học thể chất, sân tập trung, khu nhà căn tin, khu vệ sinh);
- Trang bị phương tiện phân loại, thu gom và vận chuyển rác. Đặt các dụng cụ chứa đựng rác phải được làm bằng vật liệu chắc chắn, có nắp đậy và thuận tiện cho việc làm vệ sinh ở khu vực công cộng xung quanh dãy hành lang lớp và sân trường;
- Tuyên truyền, vận động các em học sinh bảo vệ vệ sinh trường lớp;
- Thường xuyên tổng vệ sinh lớp, trường học.
2. Một vài câu hỏi liên quan đến quy định về an toàn thực phẩm trong trường học
2.1. Tại sao việc quy định về an toàn thực phẩm trong trường học lại quan trọng
Quy định về an toàn thực phẩm trong trường học là một điều quan trọng. Bởi vì ngoài tuân thủ quy định về việc đảo bảo sức khỏe trẻ em mà còn đảm bảo thực phẩm trực tiếp tiếp xúc với trẻ em không gây hại đến tính mạng, sự phát triển toàn diện.
Từ đó, nếu trường học nào có thêm bếp ăn bán trú, căn tin trong trường và thực hiện việc ăn bán trú cho trẻ em khi đang trong lứa tuổi đi học thì phải tìm hiểu về an toàn vệ sinh thực phẩm và tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm trong trường học cũng như phải xin Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm.
2.2. Làm sao để đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm trong trường học?
Để đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm trong trường học, ngoài việc thẩm định trước khi cấp Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm trường học còn phải đảm bảo một vài yêu cầu sau:
- Thực phẩm phải có nguồn gốc an toàn, rõ ràng:
+ Sử dụng thực phẩm tươi sống, sạch;
+ Không dùng thực phẩm đã bị ôi thiu, mốc, có mùi lạ;
+ Không dùng thực phẩm với các chất phụ gia bị Bộ Y tế cấm.
- Khu vực chế biến và ăn uống:
+ Được xây dựng trong khu vực đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh xa những chất gây ô nhiễm;
+ Cấu trúc được xây dựng cung cấp đủ không gian, độ thoáng, ánh sáng. Các trang thiết bị dùng vật liệu dễ cọ rửa, vệ sinh;
+ Phải đủ nước sạch sử dụng để chế biến thực phẩm và vệ sinh khu vực chế biến thường xuyên;
+ Ngăn ngừa sự đi lại của gián, chuột và các động vật khác trong khu vực chế biến thực phẩm.
- Dụng cụ, trang thiết bị trong căn tin:
+ Bát đĩa, dụng cụ nấu dùng xong phải rửa ngay, không để qua đêm;
+ Thực phẩm chín và sống (dụng cụ liên quan tiếp xúc phải để riêng biệt);
+ Chỉ sử dụng xà phòng, các chất tẩy rửa dụng cụ ăn uống được ngành Y tế cho phép để không tồn dư gây độc sang thực phẩm;
+ Chất liệu của dụng cụ, trang thiết bị phải phù hợp với quy định;
+ Tuyệt đối không được dùng bao bì từng chứa đựng các hóa chất độc, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc tẩy, chất sát trùng để đựng thực phẩm.
2.3. Để đảm bảo và tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm trong trường học thì cần lưu ý gì?
Nhằm hạn chế xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, Luật Ánh Ngọc gửi đến khách hàng một vài gợi ý về các lưu ý để bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm trong trường học, cụ thể:
- Cần tuân thủ những điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình chế biến;
- Có các giấy tờ liên quan, đặc biệt là thực hiện việc xin đăng ký giấy vệ sinh an toàn thực phẩm cho trường học và được cấp phép;
- Cần tuân thủ quy định pháp luật, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm không an toàn do mình chế biến gây ra;
- Nếu thuộc trường hợp giấy vệ sinh an toàn thực phẩm hết hiệu lực thì để ý mốc thời gian và phải xin cấp lại giấy phép hợp lệ.
Với bài đọc trên, Luật Ánh Ngọc đã cung cấp cho khách hàng những thông tin "Quy định về an toàn thực phẩm trong trường học", giúp khách hàng có những thông tin hữu ích và cái nhìn tổng quát để tránh sai sót trong quá trình tìm hiểu, thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như hiểu thêm về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.