Sự cần thiết của việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước


Sự cần thiết của việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã kéo theo sự thay đổi về cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Vậy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là gì? Tại sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

1. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là gì

Trước khi trả lời cho câu hỏi “Tại sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, ta cần hiểu rõ doanh nghiệp nhà nước là gì và cổ phần hóa là gì.

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 140/2020/NĐ-CP), doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, gồm:

  • Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - con;
  • Công ty TNHH một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
  • Công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (Doanh nghiệp cấp II).

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là quá trình chuyển một phần hoặc toàn bộ sở hữu Nhà nước trong các doanh nghiệp sang các hình thức sở hữu khác nhằm mục đích huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế phi Nhà nước để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là sự chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH có 100% vốn nhà nước sang hình thức công ty cổ phần:

  • Xét về hình thức: Cổ phần hóa là việc Nhà nước bán một phần hoặc toàn bộ giá trị cổ phần của mình trong doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
  • Về bản chất: Đây là quá trình thực hiện xã hội hóa sở hữu Nhà nước trong các doanh nghiệp tư nhân nhằm tác động tới mối quan hệ về tổ chức, quản lý, phân phối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Thông qua hoạt động cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ giảm xuống, đồng thời có sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước tạo cơ cấu đa sở hữu trong doanh nghiệp.

Cần phân biệt hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hóa:

  • Cổ phần hóa là hình thức đa dạng hóa chủ sở hữu nhưng Nhà nước vẫn giữ tỷ lệ cổ phần chi phối. Đây là quá trình chuyển đổi doanh nghiệp có một chủ sở hữu là Nhà nước thành doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu (sở hữu hỗn hợp);
  • Trong khi đó, tư nhân hóa (privatization) thực chất là việc Nhà nước bán lại toàn bộ doanh nghiệp cho tư nhân và không còn nắm giữ khả năng chi phối. Đây là quá trình chuyển đổi hình thức sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân, đồng thời chuyển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh từ Nhà nước độc quyền sang cho tư nhân đảm nhiệm.

Cần lưu ý rằng, tại Việt Nam hiện nay không chấp nhận khái niệm tư nhân hóa, không cho phép chuyển 100% vốn nhà nước cho tư nhân nắm giữ mà sử dụng khái niệm cổ phần hóa “equitisation”- không bán 100% vốn cho nhà đầu tư tư nhân mà Nhà nước vẫn giữ một tỉ lệ nhất định đủ lớn để là cổ đông chiến lược.

2. Tại sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Tại sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Tại sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

2.1. Xuất phát từ vấn đề lý luận

Về lý luận, có ba lý thuyết ủng hộ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là quyền đối với tài sản (Alcian and Demsetz, 1973), lựa chọn của công chúng (Niskanen 1971; Tullock 1976) và thuyết đại diện của Jensen và Meckling.

Theo đó, lý thuyết đại diện cho rằng, các nhà quản lý tìm cách tối ưu hóa quyền lợi của họ hơn là quyền lợi của chủ sở hữu hay của bản thân doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà quản lý tại các doanh nghiệp tư nhân buộc phải tuân thủ các cơ chế kiểm soát.

 Thuyết quyền lợi đối với tài sản cho rằng, trong sở hữu nhà nước, quyền lợi đối với tài sản không được hiểu một cách chính xác (Ramamuriti, 2000). Các nhà quản lý doanh nghiệp tư nhân phải tập trung vào tính thanh khoản của tài sản, quan tâm đến nguy cơ phá sản và các cơ chế ngăn chặn nhà quản lý hành động vì tư lợi. Đối với các nhà quản lý trong doanh nghiệp nhà nước, họ không bị kiểm soát bởi những điều này nên cũng có ít động lực để tối đa hóa giá trị doanh nghiệp và lợi nhuận.

Thuyết công chúng cũng cho rằng có nhiều vấn đề trong việc quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp tư nhân. Các nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước quan tâm đến việc tối đa hóa quyền lợi của họ, danh tiếng và các nguồn lực mà họ kiểm soát (Niskanen 1971).

2.2. Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Trước đây, doanh nghiệp nhà nước được tổ chức và vận hành qua nhiều cấp trung gian, hệ thống kế hoạch, tài chính theo Nhà nước nên đôi khi còn cứng nhắc, thiếu khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, tính chủ động chưa cao do bị gò bó bởi nhiều quy chế xuất phát từ quyền sở hữu nhà nước.

Trước khi thực hiện cổ phần hóa, nước ta có 6000 doanh nghiệp nhà nước với 88% tổng số vốn nhưng hiệu quả kinh tế thấp, chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp Nhà nước là có lãi, khả năng đóng góp sau khi trừ khấu hao cơ bản và thuế gián thu chỉ chiếm 30% ngân sách nhà nước. Điều đó có nghĩa là hoạt động doanh nghiệp của Nhà nước không tương xứng với phần đầu tư và tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp.

Theo Sách trắng doanh nghiệp được công bố năm 2019, có 2486 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động, chiếm 28,8% tổng nguồn vốn, 22,9% tổng lợi nhuận trước thuế nhưng lợi nhuận thấp hơn hai khu vực ngoài nhà nước và FDI.

Các doanh nghiệp nhà nước có 100% vốn Nhà nước, do đó thường được Nhà nước ưu đãi về vốn. Trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lợi nhuận thì doanh nghiệp hưởng còn khi thua lỗ thì Nhà nước rót vốn vào để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Điều này dẫn đến tâm lý ỷ lại của doanh nghiệp, làm hao mòn ý chí làm việc.

Do đó, dẫn đến việc Nhà nước phải giảm thâm hụt ngân sách và cắt giảm việc phát sinh chi phí do tài trợ cho những doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, để trả nợ và để tăng thu thuế.

Mặt khác, nền kinh tế thị trường đã có sự thay đổi từ chỗ nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế nhà nước đến coi trọng nền kinh tế tư nhân và vai trò điều tiết của nền kinh tế thị trường theo xu hướng mô hình hỗn hợp giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân.

Từ những phân tích trên có thể thấy, sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước một phần không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Vì vậy, việc đặt ra vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp là cần thiết.

2.3. Vai trò của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

  • Giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp;
  • Việc cổ phần hóa thông qua mua bán, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp tạo ra cơ chế phân bố rủi ro, khả năng phát triển bền vững, đồng thời tạo điều kiện các nhà đầu tư giảm bớt tổn thất;
  • Phát triển thị trường vốn:
    • Thúc đẩy phát triển các mục tiêu của thị trường như cơ cấu sở hữu rộng hơn, tăng chiều sâu và thanh khoản. Tạo ra khả năng phát triển nguồn vốn từ xã hội, mở rộng phạm vi chi phối của nguồn vốn Nhà nước;
    • Tăng khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong nước và tiếp thu trình độ công nghệ, từ đó mở rộng quy mô, tạo ra năng lực sản xuất kinh doanh cao hơn cho doanh nghiệp, tạo động lực thay đổi phương thức quản lý và thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, tăng tài sản cho Nhà nước, nâng cao thu nhập cho người lao động;
  • Tạo ra thành phần kinh tế tư nhân mới trong doanh nghiệp, thúc đẩy sự cạnh tranh giữa thành phần Nhà nước và doanh nghiệp nhưng vẫn bảo toàn, phát triển nguồn lực Nhà nước. Nhà nước vẫn nắm giữ các doanh nghiệp chủ chốt, trọng yếu của nền kinh tế. Xét về tổng thể, tài sản của Nhà nước không bị giảm đi mà còn có khả năng tăng thêm nhờ hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng cao;
  • Tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, tạo ra những người chủ thực sự của công ty và có quyền quyết định các vấn đề quan trọng nhất của công ty, đảm bảo sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước và huy động thêm vốn xã hội vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động có hiệu quả cho doanh nghiệp Nhà nước;
  • Doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước cổ đông tạo không gian lành mạnh, từ đó tăng khả năng minh bạch, làm việc theo cơ chế quản lý năng động, có hiệu quả, phù hợp với thị trường.

3. Giải đáp một số thắc mắc

3.1. Các hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay

Hiện nay có 03 hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, gồm:

  • Giữ nguyên giá trị phần vốn Nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu thu hút thêm vốn để phát triển doanh nghiệp;
  • Bán một phần vốn nhà nước hoặc kết hợp vừa bán bớt vừa phát thành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ;
  • Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán vừa phát hành cổ phiếu.

3.2. Những tổ chức, cá nhân nào được mua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Căn cứ Điều 6 Nghị định 126/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 140/2020/NĐ-CP), để được mua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tổ chức, cá nhân phải là những đối tượng sau:

  • Nhà đầu tư trong nước mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa với số lượng hông hạn chế;
  • Nhà đầu tư nước ngoài có mở tài khoản tại tổ chức tin dụng theo quy định của pháp luật về ngoại hối;
  • Nhà đầu tư chiến lược.

Tuy nhiên, những đối tượng sau không được mua cổ phiếu phát hành lần đầu của doanh nghiệp:

  • Thành viên ban chỉ đạo, tổ giúp việc cổ phần hóa doanh nghiệp trừ các thành viên là đại diện của doanh nghiệp;
  • Các tổ chức trung gian và các cá nhân thuộc tổ chức trung gian tham gia tư vấn cổ phần hóa, kiểm toán báo cáo tài chính và cơ quan kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp;
  • Các công ty con, công ty liên kết trong cùng Tập đoàn, tổng công ty và Tổ hợp công ty mẹ - công ty con;
  • Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần và các thành viên, người liên quan của các thành viên của tổ chức có liên quan đến cuộc đấu giá.

Như vậy, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không nhằm mục đích “tư nhân hóa” doanh nghiệp nhà nước mà tạo cơ chế đa dạng chủ sở hữu cho doanh nghiệp nhà nước, từ đó vừa đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước, vừa huy động thêm vốn của xã hội vào phát triển kinh tế, phát huy vai trò làm chủ của người lao động, tăng cường sự giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.