1. Ví dụ về vi phạm hành chính? Vi phạm hành chính là gì?
Hành chính vốn là những quy tắc quản lý của nhà nước trong xã hội. Vi phạm hành chính có thể xảy ra trong bất kỳ lĩnh vực nào của xã hội. Ví dụ:
- Nhà nước không cho phép lấn chiếm vỉa hè để bán hàng hoá. Chị A mở bán trà đá trên vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường. Chị A đã vi phạm hành chính và có thể bị cơ quan công an có thẩm quyền tịch thu tài sản và xử phạt tiền
- A và B đánh nhau, gây mất trật tự công cộng nhưng không bên nào bị thương tích đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ Luật Hình sự 2015. Do đó, hành vi của A và B là vi phạm hành chính và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật
- Trong thời kỳ dịch Covid 19 bùng phát, nhà nước yêu cầu dãn cách, đóng cửa các hàng, quán ăn trước 21h. Tuy nhiên, nhiều hàng quán vẫn mở chui, đóng cửa ngoài, bán bên trong, đặc biệt là các quán nhậu, quán karaoke,...Những hàng, quán không tuân thủ theo quy định, chỉ thị của nhà nước trong trường hợp này đều là hành vi vi phạm hành chính mà sẽ bị phạt tiền lên đến hàng chục triệu đồng
Như vậy, vi phạm hành chính vốn là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng chưa đủ nghiêm trọng đến mức trở thành tội phạm (hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS). Vi phạm hành chính là hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến hoạt động quản lý và nguyên tắc quản lý của nhà nước. Có những sự khác biệt giữa hành vi vi phạm hình sự và vi phạm hành chính.
Việc xử lý vi phạm hành chính diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trong tham gia giao thông (như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ,...) hay gây mất trật tự công cộng,... Vi phạm hành chính phải là hành vi có lỗi - lỗi vô ý hoặc cố ý. Điều này có nghĩa là sẽ loại trừ các trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình huống: phòng vệ chính đáng, thi hành công vụ, sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết,...
Xử phạt vi phạm hành chính là rất cần thiết. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc về: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, cơ quan Thuế, Quản lý thị trường, Thanh tra, Toà án nhân dân, Cơ quan THADS,...
Việc xử lý vi phạm hành chính là để đảm bảo trật tự, an toàn, an ninh cho xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, tài sản của Nhà nước, của các cá nhân.
2. Xử phạt cho hành vi vi phạm hành chính?
Xử phạt, xử lý vi phạm hành chính cần tuân theo các nguyên tắc sau đây:
- Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
- Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
- Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
- Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định;
- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần;
- Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó;
- Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;
- Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Hình phạt được áp dụng đối với vi phạm hành chính bao gồm:
- Cảnh cáo;
- Phạt tiền;
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
- Trục xuất.
Trong đó, hình phạt phạt tiền, cảnh cáo là hình phạt chính, các hình phạt còn lại là hình phạt bổ sung. Không thể áp dụng hai hình phạt chính cho cùng một hành vi vi phạm, nhưng có thể áp dụng hình phạt chính kèm nhiều hình phạt bổ sung.
Mức hình phạt sẽ phải căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của hành vi vi phạm hành chính và ở mỗi lĩnh vực khác nhau thì mức xử phạt vi phạm cũng sẽ khác nhau. Ngoài ra còn có các biện pháp tư pháp là biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính như buộc bồi thường thiệt hại, buộc khắc phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường,...
Trên đây là những vấn đề liên quan đến vi phạm hành chính. Quý khách hàng có thắc mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý, vui lòng liên hệ đến Luật Ánh Ngọc để được giải đáp và tư vấn.