1. Sự riêng tư là gì?
Sự riêng tư hay các thông tin riêng tư là tổng hợp của nhiều yếu tố, đặc điểm, tính chất gắn với nhân thân con người, tạo nên nét đặc trưng, mang dấu ấn, đặc điểm của từng cá nhân trong quá trình sống, trải nghiệm xã hội như dữ liệu cá nhân (hình ảnh cá nhân, số điện thoại, tình trạng hôn nhân,…), đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Đây là những thông tin quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người mà việc tiết lộ các thông tin này có thể gây bất lợi hoặc những hiểu lầm không đáng có hoặc thiệt hại cho chính cá nhân đó hoặc người khác.
Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản của công dân, theo đó, mọi công dân có quyền sở hữu, nắm giữ, định đoạt các thông tin riêng tư của mình, cho phép người khác được sử dụng nó và được Nhà nước bảo vệ các thông tin đó.
Điều này tạo cho mỗi cá nhân có những không gian được là chính mình, không bị phân biệt, kì thị hay bị phán xét từ người người khác và giúp họ kiểm soát được việc cho phép người khác nắm bắt được các thông tin về mình.
2. Vi phạm sự riêng tư được hiểu như thế nào?
Vi phạm quyền riêng tư là hành vi tiết lộ, phát tán, sử dụng,… các thông tin riêng tư của cá nhân, xâm phạm chỗ ở, thông tin bí mật liên quan đến thư tín, điện thoại…..khi không được chính chủ cho phép trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
Một hành vi được xem là xâm phạm sự riêng tư khi nó đầy đủ các yếu tố sau:
- Có hành vi trái pháp luật (Ví dụ: chụp tin nhắn của người khác đăng lên mạng xã hội khi chưa được phép, đọc trộm tin nhắn của người khác,,..)
- Có thiệt hại về lợi ích tinh thần, vật chất (Danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm, thu nhập của người đó bị mất hoặc giảm sút, tinh thẩn bị ảnh hưởng nặng nề…)
- Có quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm quyền riêng tư và thiệt hại về vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại. ( Hành vi vi phạm quyền riêng tư phải trực tiếp và là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại)
Người có hành vi vi phạm quyền riêng tư phải có lỗi (cố ý hoặc vô ý), tức là họ biết việc sử dụng hình ảnh, thông tin của cá nhân bị pháp luật cấm nhưng vẫn cố tình thực hiện.
3. Hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm sự riêng tư
Sự riêng tư là quyền cơ bản của mỗi người, bất kì hành vi nào xâm phạm đến quyền riêng tư đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào từng mức độ thiệt hại mà người vi phạm có thể bị xử phạt bởi các hình thức khác nhau.
3.1. Phạt tiền
- Phạt tiền tối thiểu 3.000.000 đồng đến tối đa 40.000.000 đồng trong đối với trường hợp sử dụng hình ảnh khi không được phép:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hình ảnh của trẻ em dưới 07 tuổi để minh họa trên các xuất bản;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hình ảnh cá nhân dùng để quảng cáo;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu dùng hình ảnh người khác trên mạng xã hội mà không xin phép;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồn đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong những hành vi: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, thông tin cổ súy mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu phát tán tài liệu riêng tư thông qua hành vi xâm phạm điện tín, thư tín của người khác để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người đó;
Ngoài ra, nếu người bị xâm phạm khởi kiện thì người vi phạm có thể phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị hại như bồi thường chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị giảm sút, khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần,..
3.2. Trách nhiệm hình sự
Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính như phạt tiền, trong một số trường hợp, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự cụ thể:
- Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159 Bộ luật Hình sự) nếu người đó thực hiện các hành vi chiếm đoạt, làm hư hỏng, thất lạc, cố lấy thông tin, nội dung thư tín, điện báo,…
- Tội xâm phạm chỗ ở của người khác nếu có các hành vi khám xét, chiếm giữ, xâm nhập trái phép hoặc đuổi người khác ra chỗ ở của họ;
- Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự) nếu có các hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Hình phạt cao nhất là phạt tù giam, tối đa 05 năm;
- Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự) nếu có các hành vi bịa đặt, lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
4. Phân biệt vi phạm sự riêng tư với các vi phạm khác
Chúng ta cần phân biệt vi phạm quyền riêng tư với vi phạm quyền bí mật đời tư. Quyền bí mật đời tư cũng liên quan đến cá nhân, nhưng xét về tính riêng tư, đây là những thông tin bí mật, người đó không muốn tiết lộ ra ngoài. Trong khi đó, quyền riêng tư có phạm vi rộng hơn, bao hàm cả quyền bí mật đời tư.
Do đó, vi phạm quyền riêng tư bao gồm vi phạm quyền bí mật đời tư và các thông tin cá nhân được công khai.
Không phải trường hợp nào việc thu thập, công khai thông tin của các cá nhân khi chưa được sự đồng ý đều được tính là vi phạm. Có thể kể đến các trường hợp sau:
- Sử dụng hình ảnh mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người địa diện theo pháp luật của họ trong trường hợp: sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng; sử dụng mà không tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó (Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015);
- Thu thập các thông tin riêng tư nhằm mục đích bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia như quy định phải kê khai tài sản đối với các cán bộ, công chức, sĩ quan quân đội,.. người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên;
- Trường hợp việc sử dụng thông tin nhằm mục đích điều tra, bảo vệ an ninh hoặc phát hiện tội phạm như cơ quan công an có quyền được xem xét, kiểm tra điện thoại nếu có căn cứ cho rằng trong đó chứa đựng chứng cứ.
Như vậy, sự riêng tư là quyền nhân thân cơ bản gắn liền với mỗi cá nhân, yêu cầu mọi người đều phải tôn trọng và được pháp luật bảo vệ dưới mọi hình thức. Tùy vào từng mức độ cụ thể của hành vi, người vi phạm quyền riêng tư có thể bị xử phạt ở các mức độ khác nhau từ phạt tiền đến mức hình phạt nặng nề hơn là bị phạt tù.