Thả vật nuôi gây tai nạn giao thông chủ có phải chịu trách nhiệm?


Thả vật nuôi gây tai nạn giao thông chủ có phải chịu trách nhiệm?

Có lẽ một số người trong chúng ta đã từng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông. Đã không ít trường hợp khi tham gia giao thông, người dân không kịp phản ứng khi thấy những chú chó bất ngờ lao ra đường mà không có ai dẫn dắt, dẫn đến tai nạn giao thông. Hay ở nông thôn, chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh những đàn gia súc nối đuôi nhau đi trên đường, thậm chí còn gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. Vậy trong trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông thì chủ vật nuôi có phải chịu trách nhiệm cho người bị tai nạn không? Trong bài viết hôm nay, Luật Ánh Ngọc sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên.

1. Trách nhiệm của chủ vật nuôi khi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông

Vật nuôi là những loại động vật được thuần hóa và được nuôi trong nhà, sống thân thiện với con người và con người có thể điều khiển, kiểm soát được chúng, bao gồm gia súc (trâu, bò, lợn,…), gia cầm (vịt, ngan, gà,….) và các loại động vật khác không nằm trong danh mục động vật quý hiếm được bảo tồn hoặc động vật hoang dã (chó, mèo,…).

Pháp luật hiện hành quy định không được thả rông súc vật trên đường bộ, trường hợp dẫn dắt súc vật đi trên đường phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua khi đảm bảo an toàn.

Từ đó có thể thấy, hành vi thả rông vật nuôi trên đường mà không có người dẫn dắt là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là việc thả vật nuôi gây tai nạn giao thông đã gây ra hậu quả trên thực tế đối với người khác. Do đó, có thể khẳng định, khi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông thì chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm, cụ thể: chủ vật nuôi có thể phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự.

2. Trách nhiệm hành chính đối với chủ vật nuôi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông

 

Trách nhiệm hành chính đối với chủ vật nuôi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông
Trách nhiệm hành chính đối với chủ vật nuôi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông

Căn cứ theo Điều 10 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định trường hợp chủ vật nuôi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông bị áp dụng hình thức xử lý là phạt tiền nếu có một trong các hành vi sau:

  • Để súc vật đi trên đường bộ không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông hoặc để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển thì chủ vật nuôi bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng.
  • Đối với trường hợp để vật nuôi, súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân.
  • Trường hợp thả súc vật trên đường sắt, trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang giao thông đường sắt thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức.

3. Trách nhiệm dân sự khi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông

 

Trách nhiệm dân sự khi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông
Trách nhiệm dân sự khi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông
  • Trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông nhưng chưa gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác nhưng gây thiệt hại về tài sản của người khác thì chủ vật nuôi có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản bị mất, bị hủy hoại, hư hỏng; những lợi ích mà người có thiệt hại về tài sản thu được từ việc khai thác, sử dụng tài sản bị mất, bị giảm sút và các chi phí khác.
  • Trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông khiến người tham gia giao thông bị thương tích, tổn hại về sức khỏe thì chủ vật nuôi có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí sau:
    • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, chữa trị, phục hồi sức khỏe của người bị tai nạn cũng như chi phí hợp lý và thu nhập bị mất, bị giảm sút của người chăm sóc cho người bị tai nạn trong thời gian chữa trị; trường hợp thả rông vật nuôi gây tai nạn khiến người thiệt hại mất khả năng lao động và không thể tự mình chăm sóc bản thân thì chủ vật nuôi phải bồi thường thêm các khoản chi phí cho người chăm sóc thường xuyên cho người bị tai nạn.
    • Bồi thường thu nhập thực tế mà người bị tai nạn bị mất hoặc giảm sút xuất phát từ hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông, trường hợp thu nhập của người bị tai nạn không ổn định thì có thể bồi thường bằng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
    • Bồi thường tổn thất về mặt tinh thần. Chủ vật nuôi và người bị nạn có thể thỏa thuận về mức bồi thường này, trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì có thể áp dụng mức bồi thường chung pháp luật quy định tối đa cho một người bị xâm phạm về sức khỏe là không quá 50 lần mức lương cơ sở vùng tương đương 90.000.000 đồng (mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng căn cứ theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP).
  • Trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông khiến hậu quả thiệt hại về tính mạng của người khác thì chủ vật nuôi có trách nhiệm bồi thường chi phí hợp lý cho việc mai táng, bồi thường tổn thất về mặt tinh thần, bồi thường các khoản chi phí cấp dưỡng cho những người mà người thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định… Mức bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì mức tối đa là không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tương đương với 180.000.000 đồng (mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng căn cứ theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP).

Mọi người cũng xem: Gặp phải tình huống bất khả kháng có phải bồi thường không?

4. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ vật nuôi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông

 

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ vật nuôi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông
Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ vật nuôi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông

4.1. Truy cứu hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông về tội Vô ý làm chết người hoặc Vô ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác.

  • Trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông có thiệt hại xảy ra như chết người hoặc gây thương tích, tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên, chủ vật nuôi có thể bị truy tố về tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự hoặc phạm tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 138 Bộ luật Hình sự.
    • Người chủ vật nuôi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người nếu hành vi của người đó thỏa mãn các dấu hiệu sau:
      • Hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông xâm phạm đến tính mạng của con người, xâm phạm đến quyền được sống của con người cũng như xâm phạm trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
      • Người phạm tội thực hiện hành vi thả rông vật nuôi như chó, súc vật,…. ra đường mà không dẫn dắt hoặc trông coi khiến vật nuôi gây tai nạn giao thông dẫn đến có người chết. Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc để xác định xem người chủ thả vật nuôi gây tai nạn giao thông có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Chính hành vi thả rông vật nuôi đã chứa đựng nguy cơ thực tế dẫn đến hậu quả làm chết người. Nếu không có hành vi đó thì chết người đã không xảy ra.
      • Người chủ vật nuôi đã thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý. Người phạm tội nhận thức được rằng hành vi thả rông vật nuôi ra đường có thể gây nguy hiểm cho người khác, thấy trước được rằng hậu quả thả vật nuôi gây tai nạn giao thông xảy ra có thể gây thiệt hại đến tính mạng của người khác (ví dụ thả chó chạy rông ra đường khiến chó đuổi theo người tham gia giao thông gây tai nạn dẫn đến chết người..). Nhưng người phạm tội đã tự tin cho rằng hậu quả chết người đó không thể xảy ra hoặc nếu xảy ra thì có thể ngăn ngừa được Nhưng thực tế hậu quả chết người đã xảy ra. Trong một số trường hợp, người phạm tội không nhận thức được hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông là nguy hiểm hoặc không nhận thức được hành vi thả vật nuôi sẽ có khả năng gây chết người. Người phạm tội không cố ý và không mong muốn hành vi thả vật nuôi của mình sẽ gây thiệt hại tính mạng cho người khác.
      • Người chủ vật nuôi phải từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Như vậy, nếu trường hợp người chủ thả vật nuôi gây tai nạn giao thông từ dưới 16 tuổi thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
    • Nếu thỏa mãn các dấu hiệu trên, người chủ thả vật nuôi gây tai nạn giao thông bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 ngăm đến 05 năm. Trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông khiến 02 người chết trở lên thì người chủ vật nuôi bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn từ 03 năm đến 10 năm.
  • Trường hợp hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông gây thiệt hại về sức khỏe của người khác nhưng không tước đi tính mạng của bất kì ai với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
  • Về cơ bản, người chủ thả vật nuôi gây tai nạn giao thông phạm tội này cũng mang dấu hiệu cơ bản như đối với người chủ thả vật nuôi gây tai nạn giao thông phạm tội Vô ý làm chết người. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai tội này là hậu quả của hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông. Khác với tội Vô ý làm chết người gây ra hậu quả có người chết, người phạm tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác chỉ gây ra thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác với mức tỷ lệ tổn thương cơ thể tối thiểu là 31%. Trường hợp tỷ lệ tổn thương dưới mức 31% thì người chủ vật nuôi chỉ bị xử lý hành chính.
    • Trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông gây thương tích, tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
    • Trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông khiến 02 người trở lên thương tích, tổn thương với tỷ lệ tổn hại sức khỏe của mỗi người từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
    • Trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông khiến 02 người thương tích hoặc tổn hại sức khỏe trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể mỗi người từ 61% trở lên thì người chủ vật nuôi bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Xem thêm bài viết: Giám định tỷ lệ thương tật và cách xác định trong vụ án hình sựGiám định tỷ lệ thương tật và cách xác định trong vụ án hình sự

4.2. Truy cứu chủ thả vật nuôi gây tai nạn giao thông về các tội xâm phạm an toàn giao thông

  • Trường hợp chủ vật nuôi đang tham gia giao thông có vật nuôi nhưng thay vì giữ vật nuôi trên xe thì thả vật nuôi gây tai nạn giao thông trên đường khiến người khác chết hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe từ 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự. Khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 07 năm tù đến 15 năm tù nếu hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông khiến 03 người chết trở lên hoặc gây thương tích, tổn hại sức khỏe của 03 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
  • Trường hợp người chủ thả rông vật nuôi, khiến vật nuôi đi qua đường sắt không đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cản trở giao thông đường sắt theo Điều 268 Bộ luật hình sự nếu hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông để lại những hậu quả sau:
    • Hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông khiến 01 người chết hoặc gây thương tích, tổn hại sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây tổn hại sức khỏe, thương tích cho 02 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông không gây thiệt hại nhưng chủ vật nuôi đã từng bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về một trong các hành vi trên thì tiếp tục bị áp dụng hình phạt tương tự như trên.
    • Trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông khiến 02 người chết hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 122% đến 200% hoặc gây thiệt hại cho tài sản của người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng thì chủ vật nuôi bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
    • Thả vật nuôi gây tai nạn giao thông làm chết từ 03 người trở lên hoặc gây thương tích, tổn hại sức khỏe của từ 03 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

5. Trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông nhưng chủ không phải chịu trách nhiệm

  • Người chủ thả vật nuôi gây tai nạn giao thông là người từ dưới 16 tuổi. Như đã phân tích ở trên, trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông thì người chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, xét với đối tượng người chủ vật nuôi là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không thuộc trường hợp áp dụng hình thức xử lý phạt tiền nền không bị xử lý hành chính. Mặt khác, người từ đủ 14 tuổi dưới 16 tuổi cũng không thuộc trường hợp pháp luật đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm đối với hành vi này, cho nên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm khi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông.
  • Trường hợp vật nuôi không thuộc sự chiếm hữu của chủ vật nuôi mà đang được chiếm hữu, sử dụng bởi người khác thì người chiếm hữu, sử dung vật nuôi phải chịu trách nhiệm đối với hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông trong thời gian chiếm hữu, sử dụng vật nuôi, trừ trường hợp bên chủ sở hữu và bên sử dụng, chiếm hữu vật nuôi có thỏa thuận khác.
  • Trường hợp vật nuôi đang thuộc chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp của bên thứ ba gây tai nạn thì người chiếm hữu, sử dụng trái phép vật nuôi có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông.
  • Ngoài ra, trên thực tế khi có hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông, thường rất khó xác định ai là chủ nhân của vật nuôi đó. Trường hợp có hành vi vật nuôi bị thả rông gây tai nạn nhưng không xác định được chủ nhân thì chủ của vật nuôi đó cũng không phải chịu trách nhiệm.

Có thể bạn quan tâm: Chưa đủ 18 tuổi gây tai nạn giao thông chết người có đi tù không?

Như vậy, trong hầu hết mọi trường hợp thả vật nuôi gây tai nạn giao thông thì chủ của vật nuôi đều phải có trách nhiệm đối với hành vi vô ý của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai là chủ nhân của những vật nuôi gây tai nạn đều chịu đứng ra tự nhận mình là chủ của con vật đó. Do đó, để tránh trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông, chúng ta chỉ có thể tự mình nâng cao cảnh giác, tập trung tham gia giao thông để có thể xử lý các tình huống bất ngờ.

Trên đây là giải đáp của Luật Ánh Ngọc về thắc mắc “Thả vật nuôi gây tai nạn giao thông thì chủ có phải chịu trách nhiệm không?”. Nếu quý độc giả còn thắc mắc bất kì vấn đề gì liên quan đến hành vi thả vật nuôi gây tai nạn giao thông hoặc có nhu cầu hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ Luật Ánh Ngọc để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng.

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn, giải đáp các vấn đề pháp lý, xin vui lòng liên hệ:


Ý kiến

()
Bình luận
Các bình luận khác